
Cà Mau: Chủ động xây dựng, hình thành các liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp
Nhận thức tầm quan trọng của việc hình thành các liên kết chuỗi, thời gian qua chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Cà Mau chủ động xây dựng các chuỗi liên kết. Trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị: mở rộng quy mô thành viên hợp tác xã, quy mô sản xuất; hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại...
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã quan tâm, khuyến khích và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các văn bản chỉ đạo đã được ban hành, với mong muốn tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia liên kết chuỗi giá trị. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 6/12/2019 của HĐND tỉnh Cà Mau về ban hành chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 512/QĐ-UBND ngày 16/3/2021 của UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết trên địa bàn tỉnh.
Chuỗi liên kết phát huy hiệu quả khi tỉnh Cà Mau định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm ngành hàng. Các cây, con chủ lực đã được quy hoạch và hình thành rõ các vùng sản xuất tập trung, như vùng cây chuyên canh, sản phẩm có khả năng xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của từng địa phương.

Trong đó, có thể kể đến sự thành công của hợp tác xã (HTX) lúa - tôm Trí Lực, xã Trí Lực, huyện Thới Bình là một ví dụ. Từ khi thực hiện mô hình liên kết sản xuất, đến nay đã hình thành nên một HTX Trí Lực lớn mạnh với nhiều sản phẩm chất lượng cao hướng đến xuất khẩu. Chuỗi liên kết sản xuất tôm - rừng, tôm - lúa gắn với các chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế uy tín, trên diện tích liên kết khoảng gần 25.000ha, được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trên 19.000ha, với khoảng 4.000 hộ, sản lượng hàng năm đạt khoảng từ 8.000 - 10.000 tấn.
Ngoài ra, tại Cà Mau đã có những HTX mạnh dạn sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế tham gia chuỗi giá trị, điển hình như HTX Cái Bát, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước. Ðây là một trong những HTX đầu tiên trong cả nước được công nhận tiêu chuẩn ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản) và chuỗi sản xuất tôm sạch có trách nhiệm tại Việt Nam. HTX Cái Bát đã liên kết với các công ty thức ăn và giống, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Ðặc biệt, HTX đã đạt được 2 giấy chứng nhận ASC năm 2018, là thành viên của Liên minh tôm sạch và bền vững. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có hơn 20 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ dân trong tỉnh thực hiện với các đối tác khác.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau xây dựng liên kết chuỗi giá trị và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào sản xuất là yêu cầu cần thiết cho phát triển nông nghiệp trong tình hình mới. Trong đó, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã tham gia vào các chuỗi liên kết phải là nòng cốt. Không chỉ giúp HTX, tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả hơn, mà còn là cầu nối giữa người dân với doanh nghiệp, tạo nên “mắt xích” bền chặt trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, phát triển sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao.
Tuy nhiên, để triển khai các chuỗi liên kết chặt chẽ, phát triển lâu dài và không bị đứt gãy, cần có cơ chế, chính sách quản lý, hỗ trợ cho cả hợp tác xã, người dân tham gia xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững.
Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch hỗ trợ các hợp tác xã một cách toàn diện. Từ nâng cao nhận thức, năng lực quản trị đến điều hành để tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân, THT, HTX và doanh nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hợp tác xã như: năng lực quản trị, tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ, năng lực về thông tin, chuyển đổi số trong nông nghiệp; xúc tiến thương mại; tiếp cận và mở rộng thị trường,... Hướng dẫn hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
Trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị gồm: mở rộng quy mô thành viên hợp tác xã, quy mô sản xuất; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau đã triển khai Ðề án "Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Cà Mau giai đoạn 2024 - 2030”. Theo đó, trong giai đoạn 2024 - 2030, Cà Mau huy động hơn 726 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể một cách toàn diện, bền vững. Cà Mau sẽ thí điểm 18 mô hình HTX điểm (mỗi huyện 2 mô hình) và 2 liên hiệp HTX điểm; xây dựng thí điểm 54 mô hình HTX vệ tinh của các mô hình HTX điểm (mỗi HTX điểm có 3 HTX vệ tinh); tăng số lượng bình quân từ 15 thành viên/HTX (năm 2023) lên 70 thành viên/HTX năm 2030; tăng hỗ trợ hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lên 50% vào năm 2030…
Bà Rịa – Vũng Tàu: Ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2025
Tiêu điểm(Tapchinongthonmoi.vn) - Hiện nay, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã công nhận có 5 nghề truyền thống và 01 làng nghề truyền thống. Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định ngành nghề nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho một số bộ phận gia đình ở nông thôn, đặc biệt góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Khuyến khích nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể
Tiêu điểm(Tapchinongthonmoi.vn) - Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Việc vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể luôn là mục tiêu được Hội nông dân (HND) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt ra trong nhiệm kỳ 2023-2028.
Ninh Thuận: Kinh tế nông nghiệp và nông thôn duy trì đà tăng trưởng
Tiêu điểm(Tapchinongthonmoi.vn) – Trong 9 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phục hồi, phát triển ổn định theo kế hoạch (KH). Một số lĩnh vực chuyển biến tích cực như: các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghiệp tăng khá; kinh tế nông nghiệp và nông thôn duy trì tăng trưởng ổn định, quy mô sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vượt mục tiêu đề ra.