
Tất bật nghề hấp cá, phơi khô ở Quảng Trị
(Tapchinongthonmoi.vn) Học hỏi từ vùng ven biển các tỉnh phía Nam, người dân ở xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã “bén duyên” nghề hấp cá rồi phơi khô để xuất khẩu. Nghề cho người dân nơi đây thu nhập cao nhưng cũng đầy vất vả.

Cứ bắt đầu từ tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm, người dân vùng ven biển trên con đường xuyên Á (đoạn qua xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt) lại tấp nập người đi, kẻ lại, những con cá cơm tươi rói vừa được vận chuyển từ những chiếc thuyền lên, sơ chế sạch sẽ bằng nước ngọt và đưa vào lò hấp, hấp xong thì phơi khô trên những tấm khay lưới, từ đó cho ra con cá khô hấp đạt chuẩn rồi đóng hộp xuất đi tiêu thụ.
Tuy nhiên những công đoạn để cho ra con cá khô hấp cũng không mấy dễ dàng, đó là những kinh nghiệm được đúc kết hàng chục năm nay cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi để cho ra một con cá khô hấp ngon, đẹp, đạt chuẩn.

Theo chị Trương Thị Tuyến (trú thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt) làm nghề hấp cá gần 20 năm nay cho biết, nghề hấp cá mặc dù tạo ra thu nhập cao nhưng cũng hết sức gian nan, bấp bênh. Nếu trời nắng càng to thì cá càng nhanh khô, nắng to thì khoảng hơn 1 ngày là khô, còn nắng nhỏ thì lâu hơn, còn trời không nắng hoặc chuyển xấu thì phải thuê xe tải chở cá lên tận vùng biên (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị - PV) cách gần 100km để phơi.
“Cơ sở hấp, phơi cá của gia đình hiện tại đang có 15 lao động chính với thu nhập trung bình là 300.000 đồng/người/ngày, có người được trả cao hơn tùy vào công việc đảm nhận. Ngoài ra sau khi phơi cá, công đoạn loại bỏ đầu cá đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục phụ nữ khác” chị Tuyến chia sẻ.
Dù tuổi đã cao nhưng bà Lê Thị Yêm (63 tuổi, trú thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt) nhận bẻ đầu cá cho các cơ sở hấp phơi với giá 2.500 đồng/1 khay cá, một ngày thu nhập khoảng 200 ngàn đồng. “Công việc bẻ đầu cá này chỉ toàn phụ nữ làm, đàn ông vùng này toàn đi biển còn phụ nữ ở nhà rảnh rỗi nên chọn công việc bẻ đầu cá, hoặc đảm nhận công việc hấp cá. Việc hấp cá thì tiền công cao hơn vì cực hơn, còn bẻ đầu cá thì ai nhanh tay thì bẻ nhiều, thu nhập nhiều” bà Yên chia sẻ thêm.

Ông Lê Ánh Hùng - Chủ tịch UBND xã Gio Việt thông tin, hiện nay toàn xã có khoảng 25 lò hấp sấy cá đang hoạt động, mỗi năm thu mua và chế biến, cho ra 10.000 tấn thành phẩm để xuất đi nhiều thị trường khác nhau, nhưng chủ yếu là thị trường Trung Quốc.
Nghề hấp, phơi cá diễn ra từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm. Tháng 2 đến tháng 4 là mùa cá cơm, tháng 5 đến 8 là mùa cá nục. Nguồn nguyên liệu của các lò phần rất lớn được thu mua từ ngư dân của xã. UBND xã luôn quán triệt tất cả các công đoạn để đưa sản phẩm cá cơm khô ra thị trường đều phải được làm sạch sẽ, cẩn thận nhất. Đặc biệt, trong quá trình chế biến cá cơm chỉ dùng muối để ướp, không dùng bất cứ phụ gia, hoá chất nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
“Nghề hấp sấy, phơi cá là nghề truyền thống ở xã gần 25 năm nay, đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng ngàn người dân địa phương. Nghề này đang được UBND xã định hướng thành sản phẩm OCOP, là hạt nhân cho sự phát triển của nghề đánh bắt thuỷ hải sản của địa phương” ông Hùng thông tin.
Mùa đót trổ bông, người dân trên dãy Chư Yang Sin có thêm thu nhập
Góc quêĐót là một loại cây dại, mọc nhiều ở hầu khắp các vùng miền núi nước ta, bông đót dùng làm nguyên liệu để đan, kết chổi. Hiện đót trổ bông, người dân ở xã vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) tranh thủ lên những cánh rừng trên dãy Chư Yang Sin thu hái kiếm thêm thu nhập.
Hàng trăm cây chè cổ thụ ở Sơn La đủ điều kiện công nhận \"Cây di sản Việt Nam\"
Góc quêMới đây, Hội đồng cây Di sản Việt Nam đã trực tiếp đến vùng đất Tô Múa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La để khảo sát, đánh giá và lựa chọn những cây chè cổ thụ đủ điều kiện công nhận "Cây di sản Việt Nam".
Nét văn hóa độc đáo đầu Xuân của vùng đất Đọi Sơn của tỉnh Hà Nam
Góc quêHội thi vẽ trang trí trâu Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2022 đã diễn ra tại cánh đồng thôn Đọi Tín, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vào ngày 6/2.