“Trong ngành y, đào tạo thực tế là rất quan trọng”

Thứ tư, 26/02/2025 13:20 (GMT+7)

Cách đây không lâu, trên một chuyến máy bay, có 1 nữ hành khách quốc tế lên cơn đau bất ngờ, cần sự giúp đỡ ngay để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Tiếp viên trưởng ra tín hiểu khẩn tới toàn kíp bay và hành khách: “Có ai trong đoàn bay là bác sĩ không? Chúng tôi cần được giúp đỡ!”.

Lúc ấy, một người đàn ông trung niên, tóc dài, thần thái uyên bác nhưng khá giản dị, khiêm tốn  đã đứng lên xin nhận. Ông mặc chiếc quần jean mài rách, nom giống như một nghệ sĩ đường phố hơn là nhân viên y tế. Sau một thời gian ngắn được hỗ trợ, nữ hành khách đã thoát hiểm. Báo chí trong nước đã rất tự hào đưa tin và gọi ông là bác sĩ có “Bàn tay vàng”.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng trong một ca khám cho bệnh nhi.

Đó là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, một "cây đại thụ" trong ngành Y của Việt Nam, ông nguyên là Chủ nhiệm khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông nhân dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/2025).

Thưa Phó Giáo sư, cơ duyên nào đã đưa ông đến với ngành Y?

-Những năm đầu của tuổi trẻ, tôi luôn mong muốn trở thành một kỹ sư nên đã chọn thi vào Trường Đại học Bách khoa, bởi vì tôi nghĩ sở trường của tôi là toán, lý, hoá và những tư duy logic.

Nhưng rồi ở gia đình tôi đã xảy ra một biến cố, dẫn đến sự ra đi vĩnh viễn của cô em gái do biến chứng mà không tìm ra nguyên nhân. Lúc ấy, kiến thức về y học cũng như sự hiếm hoi, thiếu thốn của các phương tiện y tế đã khiến một số gia đình phải chịu mất mát, và trong đó có gia đình chúng tôi.

Sau sự cố ấy, bố tôi, một nhà giáo đã gần như suy sụp. Cụ tự trách bản thân, day dứt mãi và có gọi tôi lại dặn dò khuyên vào học ngành Y để trở thành bác sĩ. Vì thấu hiểu sự đau đớn khi mất người thân, vì những cảm xúc và trách nhiệm với những người còn sống, đặc biệt là lời khuyên nhủ của cha nên tôi đã quyết định dấn thân vào Trường Y như một bước ngoặt định mệnh.

Thời điểm ấy, thi và học ngành Y là một thử thách rất lớn vì việc học chủ yếu là ghi chép, không có nhiều giáo trình để tham khảo như hiện nay. Do đó, tôi đã rất khó khăn tiếp cận với kiến thức ngành Y trong giai đoạn đầu. Có những lúc việc học của các sinh viên Y khoa bị gián đoạn do trường phải chuyển lên Nhổn học tại các ký túc xá dựng tạm. Lúc này việc học càng trở nên khó khăn hơn. Nhưng rồi tôi đã xác định cho mình một tinh thần tự học hỏi, quyết tâm vượt khó. Với vốn tiếng Nga giỏi nên tôi đã tự tìm thêm giáo trình Y khoa viết bằng tiếng Nga, tìm ra phương pháp tự rèn luyện trí nhớ bằng cách đọc to một mình để nâng cao khả năng ghi nhớ cũng như có thể vượt qua các môn thi vấn đáp một cách tốt nhất.

Tôi thường phải lỉnh ra bụi tre giữa đồng sau trường để luyện trí nhớ bằng cách một mình nói to, độc thoại những kiến thức đã học, cứ tưởng tượng như đang nói trước các thầy giáo…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng là người đặc biệt yêu mến trẻ em và có kỹ năng giao tiếp thân thiện với bệnh nhi.

Trong thời gian đi học, Phó Giáo sư có những kỷ niệm nào đặc biệt đáng nhớ?

-Chính vì sự quyết tâm cũng như cách học có phần đặc biệt và sáng tạo này mà đến năm thứ 2, tôi đã trở thành một sinh viên giỏi của trường. Với định hướng rõ trong con đường học tập và phát triển sự nghiệp của mình tôi đã phải trải qua rất nhiều các cuộc thi các cuộc sát hạch nghiêm ngặt để năm học thứ 5 đã xuất sắc tốt nghiệp thủ khoa trở thành bác sĩ nội trú với số điểm 41 điểm.

Có một lần, tôi nhớ vào năm thứ 2, do khám, phát hiện sớm một ca bệnh ruột thừa và điều trị cắt mổ thành công cho một bệnh nhân nhi, tôi được Giáo sư Tôn Thất Tùng đặc biệt xướng tên và tặng 4 hộp sữa như một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời sinh viên tươi đẹp của mình.

Vì đỗ tốt nghiệp thủ khoa nên tôi được ưu tiên chọn đơn vị công tác, nhưng tôi đã dành hết tâm huyết của mình, chọn cống hiến tri thức của mình để gắn bó với Khoa nhi của Bệnh viện bảo vệ sức khoẻ trẻ em - tiền thân của Bệnh viện Nhi - lúc ấy còn là một phần trong Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Khi chúng tôi học nội trú, thường làm việc rất căng thẳng. mỗi ngày 12-15 tiếng, một tháng chỉ nghỉ hai ngày chủ nhật. Nhờ toàn tâm toàn ý vậy mà tay nghề lên cao. Tuổi thanh xuân của tôi đã trôi qua như vậy. Tôi cho rằng, trong ngành Y, việc đào tạo thực tế là quan trọng.

Thưa Phó Giáo sư, được biết trẻ em là đối tượng bệnh nhân rất đặc biệt, kinh nghiệm gì đã giúp ông có được sự hợp tác hoàn toàn từ phía các bệnh nhi?

-Chỉ có cách gần gũi nhất với các bệnh nhi mới khiến tôi có thể tiếp cận với phương pháp điều trị hợp lý nhất. Các cháu bé đều rất đáng yêu, nhưng cũng cần đồng thời phải nắm bắt tâm lý cũng như lựa chọn các phương pháp riêng biệt cho từng bệnh của từng cháu.

Với những thành tựu cống hiến đặc biệt cho Y tế nước nhà, PGS.TS. BS Nguyễn Tiến Dũng đã được tặng rất nhiều huân huy chương, huân chương lao động và bằng khen ghi nhận những đóng góp trong sự nghiệp.

Phó Giáo sư có ấn tượng sâu sắc và có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của mình?

Trong sự nghiệp, tôi luôn ghi nhớ cảm ơn các thầy cô giáo đã dìu dắt tôi như thầy Tôn Thất Tùng, thầy Đặng Văn Chung, thầy Chu Văn Thường, cô Nhạn, thầy Khanh, thầy Trà, thầy Quy và nhiều người thầy khác.

Qua từng chặng đường, những người thầy ấy đều là những "kim chỉ nam" cho tôi, dạy cho tôi cách trở thành một người làm ngành Y có đạo đức. Tôi luôn luôn nhớ như in trong đầu câu nói đầy yêu thương cũng như trí tuệ của Bác Hồ kính yêu: “Lương Y như từ mẫu“. Tôi sẽ mãi mãi khắc ghi cũng như sống và làm việc theo lời chỉ dạy này.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, cả nước tôn vinh "những chiến sĩ áo trắng", Phó Giáo sư có chia sẻ tâm huyết như thế nào về ngành Y tế nước nhà trong giai đoạn hiện nay?

-Tôi may mắn cũng được đi tới khoảng 50 nước trong các cuộc hội thảo y khoa tại nước ngoài, tôi nhận thấy về năng lực nghiệp vụ cũng như chuyên môn của các bác sỹ Việt Nam chúng ta rất đáng tự hào, nhiều người rất giỏi. Tuy nhiên việc Tổ chức phân bổ các cơ sở Y tế của ta còn chưa được rộng rãi nên khả năng tiếp cận được với các bệnh nhân vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Việc có thêm nhiều các cơ sở y tế tại địa phương sẽ giúp bệnh nhân khi có bệnh được đón và chữa bệnh kịp thời sẽ giúp họ giảm thiểu được rất nhiều các biến chứng y khoa cũng như giảm được các chi phí đi lại và chi phí phi y tế.

Tôi cũng mong bà con mình ở các khu làng nghề, nơi còn phải sống chung với các vấn đề ô nhiễm sẽ được chính quyền địa phương chú ý tạo điều kiện, có giải pháp thiết thực giúp bà con tiếp cận tốt hơn với các chương trình nâng cao y tế cộng đồng, sức khoẻ toàn diện để bà con có được cuộc sống ngày một tươi đẹp hơn.

Xin chúc PGS. TS. BS Nguyễn Tiến Dũng sức khoẻ, hạnh phúc và thật nhiều niềm vui! Trân trọng cảm ơn ông!

Khí thế mới, tư duy mới cho một Việt Nam thịnh vượng

Khí thế mới, tư duy mới cho một Việt Nam thịnh vượng

Cả nước đang bước vào mùa Xuân mới với niềm tin, khát vọng và quyết tâm mãnh liệt. Năm 2025 được xem là cột mốc quan trọng trong hành trình hiện thực hóa Kế hoạch 5 năm 2021-2025, hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Hơn cả, đó là bước chuyển mình của dân tộc, tiến vào "kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển giàu mạnh và thịnh vượng"

Thời tiết Bắc Bộ tiếp tục chìm trong giá rét trong ngày cuối năm

Thời tiết Bắc Bộ tiếp tục chìm trong giá rét trong ngày cuối năm

Trong ngày cuối cùng của năm Giáp Thìn, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục chìm trong giá lạnh. Vùng núi Bắc Bộ rét hại, vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá.

Ngày thứ 3 nghỉ Tết Ất Tỵ: Giảm hơn 30 vụ tai nạn giao thông so với cùng kỳ

Ngày thứ 3 nghỉ Tết Ất Tỵ: Giảm hơn 30 vụ tai nạn giao thông so với cùng kỳ

Theo Cục Cảnh sát giao thông, toàn quốc xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông, làm chết 26 người, bị thương 36 người. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 32 vụ, giảm 12 người chết, giảm 33 người bị thương.