Đặc sắc hội thi giã bánh giầy, bánh ngải ở Xứ Lạng

Thứ hai, 24/02/2025 16:10 (GMT+7)

(Tapchinongthomoi.vn) - Góp phần nâng tầm sản phẩm địa phương để thu hút khách du lịch trong Lễ hội Văn hóa ẩm thực Xứ Lạng xuân Ất Tỵ năm 2025, sáng ngày 23/2 UBND thành phố Lạng Sơn đã tổ chức Hội thi giã bánh giầy, bánh ngải, với 8 đội thị đến từ các xã Hoàng Đồng, Mai Pha, Quảng Lạc và phường Đông Kinh.

Bánh giầy, bánh ngải là những loại bánh đặc trưng của người dân tộc Tày ở Xứ Lạng; bánh mang màu sắc của thiên nhiên, có hương vị thơm, dẻo của gạo nếp, nhỏ xinh trong lòng bàn tay được làm trong các dịp Lễ, Tết, cưới hỏi...

Các đội thi đến từ các xã, phường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Bánh giày, bánh ngải được làm bằng những nguyên liệu sẵn có địa phương như: Gạo nếp, lá ngải, nghệ, lá cẩm, gạo nứt, lạc… Đặc biệt, bánh được giã hoàn toàn bằng tay khiến du khách vô cùng thích thú khi đến với Xứ Lạng.

Các đội thi tranh tài trong phần giã bánh
Du khách cũng có thể tham gia cùng các đội thi để giã bánh

Đến với du lịch Lạng Sơn những ngày đầu Xuân năm 2025 này, du khách sẽ có trải nghiệm rất thú vị khi được trực tiếp xem người dân giã bánh và trải nghiệm giã bánh giày cùng với người dân nơi đây.

Để làm được bánh giày, bánh ngải ngon, quan trọng là phải chọn gạo nếp ngon không được lẫn gạo tẻ. Gạo nếp ngâm với nước để qua đêm, sáng hôm sau vớt lên, để ráo nước và đồ chín thành xôi. Các màu sắc của bánh như lá ngải, nghệ, lá cẩm đều được luộc chín, vớt ra rồi vắt sạch nước, sau đó đem giã. Tiếp đó, xôi và lá ngải, nghệ, lá cẩm sẽ được cho vào cối giã đến khi nguyên liệu quyện làm một, mịn, dẻo thì đem ra nặn từng chiếc bánh, tra nhân (vừng, lạc).

Những chiến bánh nhỏ xinh được nặn sau khi bột đã giã nhuyễn.

Trước đây bánh giày, bánh ngải chỉ được làm vào những dịp quan trọng của gia đình, nhưng những năm trở lại đây do nhu cầu của thị hiếu người tiêu dùng, nhiều người dân ở Xứ Lạng đã làm bánh bán quanh năm và bánh giày cũng đã trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh Lạng Sơn.

Chia sẻ về sản phẩm mâm bánh của đội mình tham gia tại Hội thi, anh Hoàng Thạch Cơ – Thôn Khòn Pát, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết thêm: Chúng tôi mang đến Hội thi mâm bánh giày, bánh ngải với 5 màu tượng trưng cho các dân tộc đang cùng sinh sống trên địa bàn xã Mai Pha là Tày, Nùng, Kinh, Dao và Sán Chỉ. Bánh có màu sắc khác nhau là bởi chúng tôi kết hợp giữa gạo nếp và lá ngải, nghệ, gạo nứt, cẩm tím. Vì vậy bánh ăn rất mềm, mỗi loại bánh lại có hương vị tự nhiên riêng.

Và kết quả là những mâm bánh đặc sắc, ấn tượng

Chị Nguyễn Thanh Hải ở tỉnh Bắc Giang cho hay: Tôi thấy rất ấn tượng với sản phẩm bánh giầy, bánh ngải của Xứ Lạng. Những chiếc bánh ăn rất mềm lại có hương vị đặc trưng riêng của gạo nếp cũng như mùi lá ngải, lá cẩm…

Kết thúc Hội thi, các sản phẩm bánh giày, bánh ngải đều đã được các đội thi gửi miễn phí hoàn toàn cho du khách thập phương, để mọi người cùng nếm và cảm nhận được hương vị ẩm thực đặc sắc của núi rừng cũng như tấm lòng mến khách của người dân nơi đây./.

Lần đầu tiên Hải Dương tổ chức lễ hội thu hoạch cà rốt

Lần đầu tiên Hải Dương tổ chức lễ hội thu hoạch cà rốt

Cà rốt Hải Dương sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP được người dân gieo trồng trong khoảng tháng 9 đến tháng 10 hàng năm và thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 3 năm sau.

Đặc sản bánh Tẻ làng Chờ - thơm nức vị ngày Tết

Đặc sản bánh Tẻ làng Chờ - thơm nức vị ngày Tết

Bắc Ninh – Kinh Bắc vùng quê của những liền anh, liền chị với những làn điệu quan họ mộc mạc, trữ tình và của những đặc sản truyền thống biết níu chân người, một trong những đặc sản đó mang tên gọi bánh Tẻ làng Chờ.

Làng bánh tráng Tuý Loan vào vụ Tết

Làng bánh tráng Tuý Loan vào vụ Tết

Những ngày này, làng bánh tráng Tuý Loan ở xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, TP.Đà Nẵng rộn ràng tráng bánh phục vụ người dân trong dịp Tết. Nhờ gắn bó với nghề truyền thống, cuộc sống nhiều hộ dân nơi đây ổn định, dù năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng bánh tráng tiêu thụ giảm hơn.