
CEO Bảo Minh Bùi Thị Hạnh Hiếu chỉ ra sức mạnh của mô hình liên kết các nhà để nông dân không còn lo 'mất giá'
Với triết lý "thuận tự nhiên" và sự kiên trì phát triển nông nghiệp hữu cơ, Công ty Bảo Minh giúp nông dân ở vùng rươi Tứ Kỳ, Hải Phòng thoát khỏi nỗi lo "được mùa, mất giá", từng bước xây dựng chuỗi giá trị bền vững. Để duy trì thành quả này trước “cơn bão mới” bị đối thủ “chen chân, tranh mua” nhằm phá liên kết, Bảo Minh đã hướng đến sự hợp lực chặt chẽ từ các "nhà" trong chuỗi giá trị nông sản.
"Trái ngọt" sau 5 năm kiên định: Nông dân hết lo đầu ra
Năm 2020, giữa lúc thị trường nông sản Việt Nam vẫn nặng tư duy năng suất, lấy sản lượng làm đầu, Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh đã táo bạo chọn một lối đi riêng. Họ tiên phong đưa giống lúa ST25 về gieo trồng trên những cánh đồng rươi độc đáo ở An Thanh (Tứ Kỳ, Hải Phòng) và Chí Minh - vùng đất đặc hữu với hệ sinh thái bán thủy sinh độc đáo.
Chia sẻ về những ngày đầu phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty Bảo Minh cho biết: "Những ngày đầu thật không dễ dàng. Lúa bị phân ly, năng suất thấp, nhiều vụ mùa chúng tôi phải chấp nhận bù lỗ cho bà con”.

Theo bà Hạnh Hiếu, việc canh tác trên ruộng rươi đồng nghĩa với việc người nông dân phải tuyệt đối nói "không" với tất cả hóa chất: Không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không thúc ép. Cỏ dại được làm bằng tay, dinh dưỡng cho lúa chỉ đến từ phù sa sông Bùi - nước trong, đất lành, bùn sạch - cùng với phân từ chim trời và các vi sinh vật tự nhiên.
“Đây là một cam kết đầy rủi ro và thách thức. Lý do cho sự khắt khe này rất đơn giản vì con rươi cực kỳ nhạy cảm với hóa chất, nó chính là "thám tử" tự nhiên tốt nhất. Nơi nào rươi còn sống khỏe mạnh, nơi đó đất và nước còn thực sự sạch.
Có năm không bán được, có năm lỗ nặng, có năm tưởng như bỏ cuộc. Nhưng chưa bao giờ dừng lại", bà Hiếu chia sẻ về những năm tháng đã qua.
Với 5 năm kiên trì phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ theo triết lý "thuận tự nhiên", Bảo Minh đã gặt hái được những “trái ngọt”. Hiện tại, những cánh đồng lúa ST25 được canh tác hoàn toàn hữu cơ, cho năng suất ổn định, chất lượng cao. Quan trọng hơn, công ty đã thực hiện đúng cam kết: Bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn năm ngoái 1.000 đồng/kg, thanh toán nhanh gọn ngay tại ruộng.
Lần đầu tiên, người nông dân được trải nghiệm cảm giác làm nông nghiệp mà không còn nỗi lo "được mùa, mất giá". Mô hình lúa - rươi - cáy hữu cơ đã từng bước đi vào ổn định, có đầu ra rõ ràng, có thương hiệu và đang hướng tới các chứng nhận quốc tế.
Mô hình lúa - rươi của Bảo Minh không chỉ đơn thuần là canh tác hữu cơ, mà còn thể hiện triết lý "Nông nghiệp Vị Nhân Sinh" - làm nông nghiệp vì con người.
Với đặc thù canh tác thuận theo tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, kết hợp với hệ sinh thái thủy sinh như rươi và cáy, mô hình đang tạo ra giá trị kinh tế đa tầng.
Thách thức mới đe dọa chuỗi liên kết lúa hữu cơ
Để duy trì thành công của mô hình nông nghiệp hữu cơ, bà Hạnh Hiếu thừa nhận từng đối mặt với nhiều thách thức, sự cạnh tranh khắc nghiệt của quy luật thị trường.
Tổng Giám đốc Công ty Bảo Minh cho biết, có một số đơn vị bắt đầu tranh mua, chen chân trên nền tảng mà Bảo Minh và bà con nông dân đã dày công gây dựng.

“Đây không những là sự cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh mà đích xác là hành vi "hớt váng", sẵn sàng trả giá cao hơn một chút để thu mua lúa của nông dân trong chuỗi liên kết, phá vỡ hợp đồng và cam kết sản xuất hữu cơ.
Hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp tiên phong như Bảo Minh, mà còn đẩy người nông dân vào tình thế khó xử, gây hoang mang và nguy hiểm hơn là làm đứt gãy chuỗi liên kết bền vững vốn phải mất nhiều năm mới tạo dựng được. Điều này đi ngược lại hoàn toàn với mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp có trách nhiệm mà Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp nông nghiệp hướng tới”, bà Hạnh Hiếu nhận định.
Kêu gọi liên minh chặt các "nhà"
Nhìn lại hành trình 5 năm đầy tâm huyết, dày công gây dựng mô hình lúa hữu cơ của Bảo Minh và nông dân, bà Hạnh Hiếu mong muốn kêu gọi sự hợp lực thực chất của các "nhà" trong chuỗi giá trị nông sản.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Bảo Minh, thứ nhất, Nhà nước - với vai trò tiếp tục định hướng chính sách, bảo vệ thương hiệu vùng trồng. Thứ hai là Nhà khoa học - đồng hành nghiên cứu giống phù hợp và hỗ trợ quy trình canh tác. Thứ ba là Nhà nông - bà con tiếp tục giữ vững tinh thần sản xuất sạch, đúng quy trình. Thứ tư là Nhà doanh nghiệp - như Bảo Minh, cam kết đầu tư bài bản, bao tiêu rõ ràng. Và cuối cùng là sự chung tay của Nhà bán lẻ, Nhà ngân hàng, Nhà truyền thông để cùng nhau tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh, lan tỏa giá trị của nông nghiệp tử tế.

"Chúng tôi tin rằng, gạo sạch không phải là điều viển vông. Lúa Tứ Kỳ - vùng rươi đặc hữu sẽ trở thành biểu tượng của nông nghiệp thuận tự nhiên Việt Nam", bà Hạnh Hiếu khẳng định.
Bảo vệ, xây dựng thương hiệu cho sâm Việt
Giống tốtĐể ngăn chặn tình trạng bát nháo, thật giả lẫn lộn, ảnh hưởng đến thương hiệu sâm quý Việt Nam, nhất là sâm Ngọc Linh, các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam hay Lai Châu là những địa phương sở hữu giống sâm quý này đang vào cuộc quyết liệt, nỗ lực bảo vệ, xây dựng thương hiệu cho sâm Việt Nam.
An Giang triển khai “Đề án 1 triệu héc ta” đến người nông dân
Liên kết sáu nhàChiều 17/12, UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện kế hoạch thực hiện “Đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại An Giang”.
Lập chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ tơ lụa Bảo Lộc
Liên kết sáu nhàUBND thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) vừa phê duyệt dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm lụa tơ tằm cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.