Khi tấm thẻ BHYT trở thành 'tấm khiên' cuối cùng bảo vệ người nghèo

Tuấn Kiệt Thứ năm, 10/07/2025 18:24 (GMT+7)

Mọi người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), chia sẻ gánh nặng bệnh tật là mục tiêu giúp người nghèo, người khó khăn không rơi vào tình cảnh cùng cực.

BHYT chi trả đến vài tỷ đồng cho 1 người bệnh

BHYT là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn...

Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, đã có rất nhiều người bệnh nặng được BHYT chi trả viện phí 400-500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Đơn cử, theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ năm 2023 đến hết tháng 4/2024, có 10 trường hợp được Quỹ BHYT chi trả với chi phí “khủng” từ hơn 2,5 tỷ đồng đến gần 4,5 tỷ đồng điều trị bệnh tật.

Cụ thể, người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất là hơn 4,465 tỷ đồng: mã thẻ TE1303622XXXXXX, sinh năm 2019, ở phường An Lưu, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, chẩn đoán bệnh chính là "Tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận".

Hay như người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 2 là 4,372 tỷ đồng: mã thẻ TE1171721XXXXXX, sinh năm 2018, ở phường Tân Thịnh, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, chẩn đoán bệnh chính là "Thiếu yếu tố VIII di truyền"; Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 3 là hơn 3,687 tỷ đồng: mã thẻ TE1242422XXXXXX, sinh năm 2018 ở xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, chẩn đoán bệnh chính là "Bệnh tích lũy glycogen"…

Chăm sóc sức khỏe cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: B.V

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, mỗi năm Quỹ BHYT chi trả từ 100.000 - 105.000 tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới nhiều tỷ đồng/năm. Ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính như: Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận... Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn.

Thời gian qua, nhiều người có thẻ BHYT bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT, nhờ đó giúp nhiều người bệnh có thêm động lực, niềm tin tiếp tục điều trị bệnh, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” của việc khám chữa bệnh cho người thân.

Vì vậy, từ nhiều năm nay, thẻ BHYT đã được phần lớn người dân coi như "phao cứu sinh", là "thẻ hộ mệnh" không thể thiếu của mỗi người khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Bình quân quỹ BHYT chi trả từ 87 - 89% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT và người tham gia BHYT có trách nhiệm đồng chi trả từ 11 - 13%, đặc biệt người nghèo được Quỹ BHYT chi trả 100% viện phí và người cận nghèo chỉ phải chi trả 5% viện phí.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, viện phí và học phí chiếm 30 - 35% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam. Bởi vậy, khi không có thẻ BHYT, gánh nặng chi phí điều trị bệnh tật sẽ đè nặng lên người nghèo. Chính sách bao phủ BHYT toàn dân chính là hướng tới mục tiêu không để người nghèo khó khăn thêm và không để người chưa nghèo bị “nghèo hóa” bởi bệnh tật.

Ông Hoàng Trung Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, chính sách BHYT phân chia thành 5 nhóm đối tượng chính theo trách nhiệm đóng phí: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng (cán bộ, công chức, người làm công ăn lương…); Nhóm do tổ chức BHXH đóng (người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH dài hạn); Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng (trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người có công, người DTTS…); Nhóm do ngân sách hỗ trợ một phần (hộ cận nghèo, học sinh – sinh viên, người lao động tự do…); Nhóm tham gia theo hộ gia đình (người không thuộc 4 nhóm trên, đóng tự nguyện theo hộ).

Mô hình này tạo điều kiện phổ cập BHYT toàn dân, đồng thời bảo đảm chia sẻ rủi ro và trách nhiệm tài chính giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Chú trọng phát triển BHYT ở vùng khó khăn

Hiện nay, Ngân sách Nhà nước đã đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng như người nghèo, người có công, người dân tộc miền núi, trẻ dưới 6 tuổi… Tuy nhiên, hiện còn không ít người dân có cuộc sống “bấp bênh” chưa tham gia BHYT.

Đáng nói, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, vùng đồng bào DTTS và miền núi bao gồm 3.434 xã thuộc 51 tỉnh, thành phố. Đây được xác định là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất cả nước, trọng điểm là có 1.551 xã khu vực III. Nhiều địa phương “thoát nghèo” đã cho thấy hướng đi đúng đắn trong việc đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo trong thời gian qua.

Bao phủ BHYT toàn dân để nhiều gia đình không bị “nghèo hóa” do bệnh tật. Trong ảnh, bác sĩ khám sức khỏe cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng. Ảnh BVCC

Tuy nhiên, điều này kéo theo việc nhiều người dân nghèo, người DTTS không còn được nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT. Cụ thể đã có hơn 3,1 triệu người dân tại địa phương đã thoát nghèo, không còn được nhà nước hỗ trợ, trong đó có khoảng 2,65 triệu người là đồng bào DTTS và phần lớn chưa có điều kiện để tự tham gia BHYT.

Vì thế, để chính sách không bị ngắt quãng, kịp thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế, ngày 19/10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Theo đó, từ tháng 12/2023, đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn vừa thoát nghèo tiếp tục được hỗ trợ mua BHYT với mức tối thiểu 70%.

Đồng thời, tại nhiều địa phương, phong trào, mô hình gây quỹ tặng thẻ BHYT cho người cận nghèo, người khó khăn đã lan rộng trong các tổ chức xã hội, đoàn thể. Đơn cử như mô hình “Quỹ tiết kiệm tặng thẻ BHYT” tại BHXH khu vực II (Sơn La) đã được phát động rộng rãi, huy động được sự đóng góp thường xuyên của đảng viên, công chức, viên chức BHXH khu vực II cũng như sự chung tay của cộng đồng.

Từ năm 2022 đến nay, “Quỹ tiết kiệm tặng thẻ BHYT” của BHXH khu vực II đã huy động được gần 1,3 tỷ đồng từ các cá nhân, tổ chức, qua đó trao tặng hơn 10.000 thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người DTTS giúp họ vơi bớt gánh nặng tài chính khi không may bị ốm đau, bệnh tật.

Ông Hoàng Trung Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam đạt 94,2% dân số – một con số đáng ghi nhận cho thấy nỗ lực bền bỉ của hệ thống chính sách và các địa phương trong việc mở rộng mạng lưới an sinh.

Bài nội dung tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2025 trên chuyên trang Nông thôn mới thuộc Báo điện tử Dân Việt.

Y, bác sỹ của hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng FPT Long Châu cấp cứu kịp thời nhiều bệnh nhân nguy kịch

Y, bác sỹ của hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng FPT Long Châu cấp cứu kịp thời nhiều bệnh nhân nguy kịch

(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng ngày 30/10/2024, Hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng FPT Long Châu tại số 366 Tỉnh lộ 10 (Q. Bình Tân, TP.HCM) tiếp nhận trường hợp một cụ ông bị đột quỵ khi đang đi trên đường. Đội ngũ y bác sĩ và điều dưỡng tại trung tâm đã nhanh chóng sơ cứu và kịp thời chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị chuyên sâu.

Nâng cao năng lực phòng chống lao cho cán bộ và hội viên nông dân

Nâng cao năng lực phòng chống lao cho cán bộ và hội viên nông dân

Ngày 30/10/2024, tại Ninh Bình, Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống lao (thuộc T.Ư Hội NDVN) đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và hội viên Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình về công tác phòng chống lao.

Lao tiềm ẩn: Chẩn đoán và cách điều trị

Lao tiềm ẩn: Chẩn đoán và cách điều trị

Lao tiềm ẩn (LTA) là một trạng thái đáp ứng miễn dịch liên tục với sự kích thích bởi các kháng nguyên Mycobacterium tuberculosis mà không có bằng chứng về triệu chứng bệnh lao hoạt động trên lâm sàng. Vì đây chỉ là phản ứng miễn dịch nên sẽ không gây lây nhiễm bệnh cho người khác, nhưng lao tiềm ẩn có nguy cơ phát triển thành thể bệnh lao hoạt động và trở thành nguồn lây truyền bệnh.