
Nghệ An: Kịp thời khoanh vùng, chỉ đạo sâu sát khi có dịch bệnh trên vật nuôi ở Nam Đàn
Huyện Nam Đàn được đánh giá là địa phương làm tốt hàng đầu tỉnh Nghệ An trong phòng chống dịch bệnh ở vật nuôi. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như ý thức nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh của người dân.
Trong thời gian qua, Nam Đàn đã triển khai công tác phòng chống và kịp thời kiểm soát khi có dịch xuất hiện một cách bài bản. Đặc biệt, huyện đã thành lập Tổ kỹ thuật hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn. thường xuyên cập nhật và báo cáo UBND huyện về tình hình dịch bệnh động vật, những khó khăn, vướng mắc phát sinh tại các xã, thị trấn để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Nhờ đó, huyện đã hạn chế dịch bệnh bùng phát và lây lan.

Ngay từ đầu năm, UBND huyện Nam Đàn đã có Quyết định số 237/QĐ-UBND ngày 22/1/2024 về việc Phê duyệt Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản trên địa bàn huyện Nam Đàn năm 2024. Mục tiêu chung là chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản; hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh động vật gây ra; đảm bảo khống chế dịch bệnh hiệu quả, không để lây lan, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường. Đồng thời,kế hoạch này cũng giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An gây thiệt hại lớn, nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Nam Đàn xuất hiện khá khiêm tốn và không gây nhiều tổn hại nặng nề cho người chăn nuôi. Năm 2024, huyện Nam Đàn phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 4 xã trong tổng số 19 xã gồm: Nam Thanh, Nam Hưng, Thị trấn Nam Đàn, Kim Liên. Tổng số lợn buộc tiêu hủy là 76 con, trọng lượng 5.827kg. Đến nay, còn 1 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Để giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, công tác phòng chống bệnh cho gia sức, gia cầm được huyện đặc biệt quan tâm. Ngoài tuyên truyền, các phòng chuyên môn còn thực tế tại hộ và có những hướng dẫn về cách phòng và chăm sóc tốt cho đàn gia súc qua từng giai đoạn phát triển.
Vốn là người có thâm niên trong ngành chăn nuôi trên 10 năm, chị Lê Thị Thu (1983) xã Hùng Tiến (Nam Đàn – Nghệ An) khẳng định: “Cán bộ huyện quan tâm lắm. Trang trại tôi nuôi cả lợn, gà và ngan... Để phòng bệnh dễ gặp trên đàn vật nuôi, cán bộ chuyên môn về tận trang trại kiểm tra rồi hướng dẫn tận tình”.
Từ kinh nghiệm của một người “chinh chiến” với đàn vật nuôi suốt cả thập kỷ, chị cho rằng công tác phòng chống dịch rất quan trọng. Nếu tập trung công sức, vốn liếng vào chăn nuôi mà khâu phòng chống bệnh lơ đãng, thì đó chính là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn đẩy người chăn nuôi vào ngõ cụt.
Theo kinh nghiệm của chị, trang trại phải sát trùng 1 tuần/lần. Đối với lợn khi mới mua về đầu tiên cần tẩy giun sán, tiêm vắc xin (sau 1 tuần đưa lợn về trại tiến hành tẩy giun, khoảng 7 ngày sau đó bắt đầu tiêm vắc xin dịch tả, tai xanh). Còn đối với gà con cho uống vắc xin sau 3 ngày thả, rồi đến đợt tiếp theo là 7 ngày, 15 ngày và đến 2 tháng bắt đầu tiêm dịch cúm gia cầm. Đặc biệt, vắc xin phải có nguồn gốc, chất lượng để đảm bảo công tác phòng dịch đạt hiệu quả cao.

Song song với việc chủ động phòng ngừa bệnh, nguồn gốc thức ăn cũng như về chất lượng, độ đạm cũng là một trong những yếu tố “đóng góp” vào sự thành công cho người chăn nuôi. Tựu trung, “để phòng chống dịch bệnh tật cần các yếu tố sau: Thứ nhất giống tốt, thứ hai nguồn thức ăn, thứ ba khử trùng chuồng trại, nước uống, môi trường sạch sẽ, giao mùa phải che chắn cẩn thận, mùa hè thì thoáng mát, mùa đông đủ ấm…”- chị Thu nhấn mạnh.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Đình Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn cho biết: Huyện Nam Đàn thỉnh thoảng xảy ra một vài ổ dịch như dịch tả lợn Châu Phi, dịch dại ở chó nhưng thường thì không lan ra điểm thứ 2. Ngay khi nhận được thông tin có dịch bệnh, huyện trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo địa phương ngay lập tức và ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời. Cùng với việc đó là gắn trách nhiệm cho các đơn vị liên quan.

Một trong những phương pháp được áp dụng đồng bộ tại địa phương này là khi có dịch buộc phải công bố dịch, trong quá trình tiêu huỷ phải có cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp giám sát. Đối với công tác tiêu độc khử trùng, huyện giao cho các xã tại nơi có dịch xảy ra và phải chỉ đạo quyết liệt. Ở trường hợp có ổ dịch cần vắc xin thì phải đề xuất lên cấp trên hỗ trợ kịp thời để tiêm phòng đầy đủ.
Qua số liệu thống kê của phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn, tổng đàn vật nuôi chiếm số lượng nhiều nhất là gia cầm (trên 1 triệu con), đàn lợn khoảng 30 nghìn con, trâu bò dao động trên dưới 20 nghìn con.
TP. Cần Thơ: Tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh và sạch
Nông nghiệpNhững năm gần đây, tại TP. Cần Thơ việc phát triển sản xuất nông nghiệp đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, Global GAP...) và sản xuất theo hướng hữu cơ đã được nhiều nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) trên địa bàn quan tâm thực hiện. Qua đó, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố đã cung ứng ra thị trường ngày càng nhiều loại nông sản đạt chất lượng cao, an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Phòng chống đói, rét cho vật nuôi trong vụ Đông - Xuân 2024-2025
Nông nghiệpĐể chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong vụ Đông-Xuân 2024-2025, đồng thời bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, hoàn thành kế hoạch năm 2024, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã ban hành công văn số 1175/CN-KHCNMT & HTQT ngày 28/10/2024 gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh miền Núi và Trung du, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên về triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi.
“Cảnh báo đỏ” về lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất cà phê
Nông nghiệp(Tapchinongthonmoi.vn) – Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất cà phê đang ở mức báo động, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, môi trường và sự phát triển bền vững của ngành Cà phê Việt Nam.