
Giảm nghèo ở Việt Nam: Tỷ lệ hộ nghèo thấp kỷ lục, nhưng 42,8% lao động vẫn trong 'vùng xám' an sinh
An sinh xã hội đang trở thành trụ cột trung tâm trong chiến lược giảm nghèo của Việt Nam. Từ hỗ trợ y tế, giáo dục đến bảo hiểm và sinh kế, việc làm… hệ thống an sinh đã giúp hàng triệu người nghèo cải thiện cuộc sống. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại những khoảng trống trong chính sách đòi hỏi chính sách phải hoàn thiện để không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhiều “khoảng trống” an sinh
Chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam thời gian qua đã có nhiều bước tiến, trở thành một trong những trụ cột then chốt giúp kéo giảm tỷ lệ nghèo đói một cách rõ rệt. Theo báo cáo của Văn phòng giảm nghèo Quốc gia, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn đa chiều giảm còn 1,93%, riêng các huyện nghèo là 24,86% và tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55% – một con số đáng chú ý cho thấy nỗ lực của cả hệ thống.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135 cùng nhiều chính sách hỗ trợ từ Trung ương và địa phương đã góp phần tạo chuyển biến tích cực. Báo cáo cho thấy, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021–2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng.

Về mặt kết quả, hệ thống an sinh xã hội đã hỗ trợ hơn 13.000 dự án phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho hơn 2,2 triệu hộ nghèo, hơn 2,5 triệu lượt hộ được dạy nghề, tạo việc làm. Đặc biệt, có 5.500 lao động nghèo được hỗ trợ đưa đi làm việc ở nước ngoài, mở ra cơ hội đổi đời. Trong khi đó, hơn 18.000 công trình hạ tầng cơ bản được đầu tư tại vùng khó khăn, giúp người dân tiếp cận tốt hơn với giáo dục, y tế và dịch vụ thiết yếu.
Song, bên cạnh những thành tựu, chương trình giảm nghèo vẫn còn những lỗ hổng đáng lo ngại. Báo cáo từ ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) cho thấy, dù số người tham gia BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp tăng đều (tháng 3/2025 tăng hơn 8% so với cùng kỳ), nhưng tỷ lệ bao phủ vẫn còn thấp, đặc biệt là trong khu vực lao động phi chính thức. Hiện có đến 22,5 triệu người trong độ tuổi 35–60 không có BHXH, chiếm tới 42,8% tổng số việc làm – một con số đáng báo động.
Lý do chính nằm ở việc phần lớn lao động phi chính thức – những người không ký hợp đồng, làm nghề tự do hoặc việc tạm thời – không thuộc diện hỗ trợ trong các chương trình an sinh. Nhóm này có thu nhập vừa đủ sống nên không được xem là nghèo, nhưng cũng không đủ khả năng chống chịu trước các cú sốc kinh tế. Họ nằm ngoài hệ thống BHXH bắt buộc, đồng thời cũng không tham gia BHXH tự nguyện, do thiếu động lực và điều kiện.
Đáng chú ý hơn, chính sách trợ cấp tiền mặt – vốn được kỳ vọng là công cụ linh hoạt để ứng phó với nghèo đói lại có phạm vi bao phủ và mức hỗ trợ rất hạn chế. Việt Nam hiện chỉ chi khoảng 0,35% GDP cho các chương trình này, thấp hơn nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hệ thống trợ giúp xã hội còn nặng về "giải quyết hậu quả" thay vì "phòng ngừa nguy cơ", tập trung nhiều vào nhóm đã nghèo mà bỏ quên những người đang có nguy cơ rơi vào “bẫy” nghèo.
Điều này thể hiện rõ qua đại dịch Covid-19, khi nền kinh tế bị gián đoạn, các gói cứu trợ chỉ tiếp cận tốt nhóm đã nằm trong danh sách hộ nghèo, người có công, cận nghèo… còn nhóm lao động phi chính thức, người di cư, hộ kinh doanh nhỏ lẻ – những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất – lại nhận hỗ trợ rất hạn chế. Lý do không chỉ nằm ở quy định hộ khẩu, mà còn vì hệ thống quản lý trợ giúp xã hội vẫn chưa số hóa, khiến việc nhận diện và hỗ trợ "mục tiêu di động" gặp nhiều trở ngại.
Bảo đảm an sinh – “chìa khóa” giảm nghèo bền vững
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy giảm nghèo bền vững, Việt Nam cần tiếp cận chính sách an sinh xã hội theo tư duy mới – coi đây là công cụ chủ động bảo vệ và tạo cơ hội thay vì chỉ là cứu trợ sau cùng. Hiện nay, giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam thực chất giảm nghèo dựa trên 2 tiêu chí cơ bản: Giảm nghèo về tiêu chí thu nhập; thứ 2 là giảm nghèo ở tiêu chí thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch; việc làm; vệ sinh; thông tin…). Đây đều là những vấn đề lớn về an sinh.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Chuyên gia về vấn đề an sinh xã hội cho rằng, trước hết, việc mở rộng bao phủ BHXH cần được ưu tiên, nhất là BHXH tự nguyện cho nhóm lao động phi chính thức. Hiện nay dù đã có nhiều chính sách nhằm thu hút lao động tham gia BHXH tự nguyện nhưng hiệu quả còn thấp.
“Song song với đó, cần cải thiện mức trợ cấp trong các chương trình hỗ trợ tiền mặt thường xuyên – ít nhất tiệm cận mức hỗ trợ trung bình trong khu vực. Việc tăng chi ngân sách từ 0,35% GDP lên 0,5–0,6% là hoàn toàn khả thi, nhất là khi các nguồn lực xã hội hóa đang dần mở rộng. Hơn nữa, thay vì “cho tiền”, cần chuyển sang hình thức hỗ trợ có điều kiện như học nghề, tạo sinh kế hoặc hỗ trợ khởi nghiệp cho người nghèo” - bà Hương đề xuất.
Tôi cho rằng, giảm nghèo không thể thành công nếu chỉ dựa vào Nhà nước. Cần huy động vai trò của doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng địa phương trong việc phát hiện, hỗ trợ và giám sát việc thực thi chính sách.
Một điểm nghẽn lớn hiện nay là hệ thống vận hành trợ giúp xã hội còn lạc hậu, chủ yếu dựa vào đăng ký cư trú (hộ khẩu), gây cản trở lớn cho người di cư và các đối tượng “mục tiêu di động”. Việc số hóa toàn diện hệ thống: Từ đăng ký điện tử, định danh công dân, chuyển khoản trợ cấp qua ngân hàng sẽ giúp chính sách trở nên linh hoạt, minh bạch và dễ tiếp cận hơn.
Đặc biệt, để đối phó với các cú sốc mang tính hệ thống như dịch bệnh, thiên tai, Việt Nam cần thiết lập quỹ cứu trợ trung ương có năng lực ứng phó nhanh, thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách địa phương vốn luôn eo hẹp. Việc chậm phê duyệt bổ sung ngân sách dự phòng trong đại dịch cho thấy sự bị động, điều này tác động không nhỏ làm một bộ phận người khó khăn rơi vào “bẫy” nghèo.
Đồng thời, theo các chuyên gia, số hóa hệ thống trợ giúp xã hội để nâng cao hiệu quả các chương trình trợ cấp, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và triển khai an sinh xã hội. Xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh thống nhất, kết nối dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc để xác định đúng đối tượng thụ hưởng và tránh trùng lặp, bỏ sót.
“Tôi cho rằng, giảm nghèo không thể thành công nếu chỉ dựa vào Nhà nước. Cần huy động vai trò của doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng địa phương trong việc phát hiện, hỗ trợ và giám sát việc thực thi chính sách.
Khi người dân không còn là “người thụ hưởng bị động” mà trở thành đối tác trong chính sách an sinh, quá trình giảm nghèo sẽ bền vững và sâu sắc hơn” - bà Hương nói thêm.
Theo
Bộ LĐTBXH (nay là Bộ Nội vụ), ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm
2025 duy trì mức giảm 0,8-1%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2025 giảm
trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo năm 2025 giảm từ 4-5%/năm.
Đến
hết năm 2025, có 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi
ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, đạt
mục tiêu Quốc hội giao đến năm 2025.
Bài nội dung tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2025 trên chuyên trang Nông thôn mới thuộc Báo điện tử Dân Việt.
'Chiến thắng 7/1 đã khắc sâu vào tâm khảm của nhân dân Campuchia'
Hồ sơ - Tư liệuSự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau của hai nước láng giềng đã đóng góp tích cực vào công cuộc tái thiết Việt Nam và Campuchia, tạo dựng nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị lâu dài giữa hai nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn
Thảo luậnNgày 26/12/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà quân sự thiên tài, Nhà văn hóa lớn.
EU tăng tần suất kiểm tra một số nông sản Việt trước khi nhập khẩu
Tiêu điểm(Tapchinongthonmoi.vn) - Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết, Ủy ban châu Âu vừa ban hành quy định về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các bên ngoài vào EU theo quy định 2019/1793 và đưa ra quyết định đối với một số nông sản, thực phẩm có nguồn gốc tại Việt Nam.