
Tuyên Quang: Nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng, vượt chỉ tiêu năm 2024
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, ngành nông nghiệp Tuyên Quang năm 2024 vẫn đạt được những kết quả ấn tượng, vượt nhiều chỉ tiêu đề ra. Đáng chú ý là việc xuất khẩu thành công nông sản sang thị trường Anh, khẳng định uy tín và chất lượng nông sản của tỉnh.
Chuyển đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp
Một trong những điểm sáng của ngành nông nghiệp Tuyên Quang năm 2024 là vào tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên các sản phẩm nông sản của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường Anh. Đây là một thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Bảy mặt hàng được lựa chọn xuất khẩu gồm: Trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong, chuối sấy dẻo, trà đậu đen xanh lòng, siro chanh, siro tắc và bưởi Soi Hà. Mặc dù giá trị lô hàng chưa cao nhưng đây là bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội cho các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa ra thị trường quốc tế.

Việc xuất khẩu thành công sang thị trường châu Âu cho thấy sự chuyển biến tích cực trong tư duy sản xuất nông nghiệp của Tuyên Quang. Ngành nông nghiệp tỉnh đã chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Để đạt được kết quả này, ngành nông nghiệp Tuyên Quang đã thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực từ sớm, áp dụng quy trình sản xuất sạch, VietGAP, hữu cơ. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã có 3.630ha cây trồng được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, Rainforest.
Năm 2024 cũng là năm đầu tiên rừng trồng của Tuyên Quang được cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu. Đây là bước đi quan trọng, góp phần nâng cao giá trị rừng trồng, phục vụ xuất khẩu và đưa Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến rừng trồng của cả nước.
Kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển hiệu quả và bền vững với hơn 83.231ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, cao nhất cả nước. Hai sản phẩm của tỉnh là ván sàn Woodsland và đồ gỗ nội, ngoại thất Woodsland đã đạt Thương hiệu Quốc gia.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Năm 2024, Tuyên Quang có 85/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các địa phương đã tập trung xây dựng nông thôn mới một cách bền vững, đảm bảo chất lượng các tiêu chí và có được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.
Hoạt động hợp tác xã cũng được chú trọng với 448 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, 123 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, 57 hợp tác xã đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Các hợp tác xã này đã tạo ra 165 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, 77 hợp tác xã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 82 sản phẩm. Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được đẩy mạnh với 118 liên kết, chiếm 27% giá trị sản phẩm.

Bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hoá), cho biết chính sách hỗ trợ của tỉnh đã giúp hợp tác xã yên tâm đầu tư phát triển. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục liên kết sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Năm 2024, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng 4,85% so với năm 2023. Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, như sản lượng mía, sản lượng sữa tươi, diện tích trồng rừng, sản lượng chè, sản lượng thịt hơi...
Năm 2025, ngành nông nghiệp Tuyên Quang phấn đấu đạt giá trị sản xuất 11.855,4 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 5,06%/năm trong giai đoạn 2021-2025; sản lượng thịt hơi các loại trên 104.800 tấn; trồng mới 10.100ha rừng, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 1,2 triệu mét khối.
Đồng thời, tỉnh phấn đấu có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 94 xã và hoàn thành 2 huyện Sơn Dương, Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuyên Quang đang hướng tới mục tiêu xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất, chế biến gỗ, khai thác lợi thế về rừng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đại hội XVII của tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, năm 2025 là năm cuối thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, ngành nông nghiệp cần nỗ lực, tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch.
Cụ thể, ngành cần đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tỉnh cần sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả và thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, ngành cần tập trung chỉ đạo sản xuất vụ xuân, phòng chống đói rét cho vật nuôi và triển khai công tác trồng rừng./.
TP. Cần Thơ: Tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh và sạch
Nông nghiệpNhững năm gần đây, tại TP. Cần Thơ việc phát triển sản xuất nông nghiệp đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, Global GAP...) và sản xuất theo hướng hữu cơ đã được nhiều nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) trên địa bàn quan tâm thực hiện. Qua đó, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố đã cung ứng ra thị trường ngày càng nhiều loại nông sản đạt chất lượng cao, an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Phòng chống đói, rét cho vật nuôi trong vụ Đông - Xuân 2024-2025
Nông nghiệpĐể chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong vụ Đông-Xuân 2024-2025, đồng thời bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, hoàn thành kế hoạch năm 2024, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã ban hành công văn số 1175/CN-KHCNMT & HTQT ngày 28/10/2024 gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh miền Núi và Trung du, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên về triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi.
“Cảnh báo đỏ” về lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất cà phê
Nông nghiệp(Tapchinongthonmoi.vn) – Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất cà phê đang ở mức báo động, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, môi trường và sự phát triển bền vững của ngành Cà phê Việt Nam.