
Lễ hội Khai xuân Yên Tử 2025 thu hút đông đảo du khách thập phương
Ngày 7/2 (tức ngày mùng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chính thức Khai hội Xuân Yên Tử 2025 (Quảng Ninh).
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Văn Đức/TTXVN
Điểm nhấn của Lễ hội là lễ rước kiệu quy mô lớn nhất từ trước tới nay với 11 đội kiệu đến từ các địa phương thuộc thành phố Uông Bí cùng Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh. Trong ngày đầu khai hội, sự kiện đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, chiêm bái.
Phát biểu khai mạc Lễ hội ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí thông tin: Trong những năm qua, tỉnh đã chủ động phối hợp với tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương xây dựng và hoàn thiện xong bộ hồ sơ khoa học "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" đệ trình lên tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Nghi thức thỉnh chuông. Ảnh: Văn Đức/TTXVN
Đến ngày 26/1/2024 hồ sơ đã được tổ chức UNESCO tiếp nhận, xem xét, thẩm định. Đồng thời, trong năm 2024, thành phố Uông Bí đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan đón các đoàn chuyên gia của ICOMOS về khảo sát, thẩm định thực địa và được đoàn đánh giá cao về giá trị nổi bật của Quần thể di tích Yên Tử.
Kết quả này là những bước tiến quan trọng trong hành trình ghi danh để Yên Tử có cơ hội trở thành di sản văn hóa nhân loại, từ đó nỗ lực hơn trong công tác bảo tồn những giá trị của di sản cho thế hệ mai sau. Việc xây dựng hồ sơ tôn vinh di tích danh thắng Yên Tử là nỗ lực tôn vinh văn hóa lịch sử, đồng thời tăng độ nhận diện của di sản ở quy mô toàn cầu trở thành tài nguyên cho phát triển du lịch, phát huy hiệu quả cho giá trị di sản.
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Văn Đức/TTXVN
Năm nay, Lễ khai hội Xuân Yên Tử truyền thống được tổ chức trang trọng, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, mang đậm bản sắc của dân tộc. Trong đó, phần lễ khai hội gồm các nghi thức: Gióng trống, thỉnh chuông; các nghi lễ tâm linh (dâng lễ, lễ cầu Quốc thái dân an; lễ đóng dấu thiêng Yên Tử).
Ngay trong ngày khai hội, đã có rất đông tăng ni, Phật tử, nhân dân và khách du lịch hành hương về Yên Tử.
Em Đỗ Hà Linh - Du học sinh Trung Quốc cho biết, đây là lần thứ 3 em đến Yên Tử, mỗi lần đến là những cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên ở chuyến đi này, em đã cảm nhận được nhiều hơn về văn hóa tâm linh, lễ hội của Yên Tử. Đặc biệt, đây sẽ là trải nghiệm đáng nhớ để khi quay lại trường học, em có thể chia sẻ với các bạn du học sinh quốc tế để các bạn hiểu thêm về khu di tích Yên Tử và đến Quảng Ninh du lịch.
Nghi thức đóng ấn. Ảnh: Văn Đức/TTXVN
Anh Christian Veenman du khách đến từ Hà Lan rất háo hức khi lần đầu tiên được đến Yên Tử. Có đam mê với văn hóa Phật giáo, đền chùa, anh Christian khá ngạc nhiên vì sự kỳ vĩ, cổ kính của hệ thống các ngôi chùa nơi đây. Trước đó, anh đã từng đến và trải nghiệm văn hóa tâm linh ở Ninh Bình, Hà Nội và Sa Pa.
Để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho phật tử và du khách thập phương, thành phố Uông Bí và Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, trải nghiệm phong phú như: Các trò chơi dân gian tại khu Làng Nương, biểu diễn văn nghệ dân gian truyền thống tại khu đình làng. Nhiều tuyến đường hành hương, hệ thống biển báo giới thiệu cũng được cải tạo, chỉnh trang lại. Cùng với hệ thống cờ hoa, con đường hoa khoe sắc ngay từ Dốc Đỏ vào tới chân núi Yên Tử, tạo không khí Xuân tươi mới, rực rỡ, chào đón du khách bốn phương, cùng nhiều sản phẩm du lịch mới…
Lễ dâng hương. Ảnh: Văn Đức/TTXVN
Lễ khai hội Xuân Yên Tử được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hằng năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện sâu sắc truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp ngàn đời mà các thế hệ cha ông đã để lại.
Trong ngày đầu tiên khai hội Xuân Yên Tử, ước có khoảng gần 2 vạn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, vãn cảnh và chiêm bái.
Ninh Bình: \"Không gian chợ Tết xưa\" tại Phố cổ Hoa Lư
Lễ hội – Văn hoá truyền thốngNgày 25/1, "Không gian chợ Tết xưa" được khai mạc tại Phố cổ Hoa Lư, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, nhằm tái hiện nét đẹp văn hóa, quảng bá giá trị văn hóa của dân tộc tới đông đảo du khách.
Nâng tầm lễ hội đền Trần Thái Bình
Lễ hội – Văn hoá truyền thốngÔng Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết, lễ hội đền Trần năm 2025 tổ chức tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) sẽ diễn ra từ ngày 10 - 14/2 (tức ngày 13 - 17 tháng Giêng năm Ất Tỵ) theo quy mô cấp tỉnh.
Sóc Trăng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số
Lễ hội – Văn hoá truyền thốngLà tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số với chiếm hơn 35% dân số, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm chỉ đạo các ngành các cấp bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.