Bản Ten B "lột xác" ngoạn mục thành nông thôn mới thông minh, nâng tầm cuộc sống người dân

Nhật Phương Thứ năm, 17/07/2025 10:35 (GMT+7)

Ten B là bản đầu tiên của phường Mường Thanh (trước đây thuộc xã Thanh Xương) xây dựng thành công mô hình bản nông thôn mới (NTM) thông minh. Phong trào xây dựng NTM không chỉ làm thay đổi diện mạo vùng quê, mà còn tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ thụ hưởng của người dân.

Bản Ten B hiện có 100 hộ dân, gồm 4 dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Thái, Lào và Tày, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh và Thái. Trước đây, cuộc sống người dân phụ thuộc phần lớn vào sản xuất nông nghiệp, nhưng do hạn chế trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế còn thấp.

Khoảng một thập kỷ trở lại đây, kể từ khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, bản Ten B đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Nhiều hộ dân chủ động chuyển đổi sinh kế sang các ngành, nghề như: Kinh doanh tạp hóa, dịch vụ ăn uống, sửa chữa cơ khí… Đồng thời, bà con tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn cũng ngày càng khởi sắc.

Bản Ten B (phường Mường Thanh) đạt chuẩn bản NTM thông minh.

Năm 2021, bản Ten B vinh dự được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn bản NTM kiểu mẫu. Tiếp nối thành quả đó, năm 2022 bản tiếp tục mạnh dạn đăng ký xây dựng mô hình bản NTM thông minh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, bản đã tổ chức nhiều cuộc họp dân, thông tin kịp thời về chủ trương và định hướng phát triển, đồng thời vận động người dân cùng chung tay đóng góp nguồn lực, góp phần hoàn thiện các tiêu chí của bản NTM thông minh.

Nhờ sự quyết tâm, đồng thuận của người dân và nền tảng hạ tầng sẵn có, đến cuối năm 2024, bản Ten B đã hoàn thành toàn bộ 6/6 tiêu chí của bộ tiêu chí bản NTM thông minh giai đoạn 2021 – 2025.

Hiện nay, 100% hộ dân trong bản được phủ sóng Internet cáp quang và mạng di động 4G/5G; hệ thống wifi tốc độ cao được lắp đặt miễn phí tại nhà văn hóa bản, phục vụ nhu cầu truy cập thông tin, học tập và sinh hoạt cộng đồng. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh đạt 99,8%; 97% dân số trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử và 100% người dân sử dụng điện thoại thông minh đều đã cài đặt, sử dụng hiệu quả ứng dụng “Điện Biên Smart”.

Với những kết quả nổi bật đó, bản Ten B được UBND tỉnh công nhận là bản NTM thông minh năm 2024. Đây không chỉ là niềm tự hào riêng của bản, mà còn là thành tích quan trọng, góp phần giúp xã Thanh Xương (cũ) đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.

Nhà văn hóa bản được lắp đặt wifi miễn phí, tốc độ cao đã trở thành điểm hẹn văn hóa – thể thao của bản Ten B.

Trước đây, nhà văn hóa bản Ten B chỉ là nơi tổ chức các cuộc họp của bản, ít được người dân lui tới. Tuy nhiên, kể từ khi bản triển khai xây dựng mô hình NTM thông minh, không gian này đã “thay áo mới”. Nhà văn hóa được trang bị wifi miễn phí, đường truyền internet tốc độ cao, trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao, giải trí sôi nổi của người dân.

Vào mỗi buổi chiều, thanh niên trong bản tập trung về đây chơi bóng chuyền, cầu lông, truy cập mạng giải trí, cập nhật tin tức. Buổi tối, nhà văn hóa lại rộn ràng tiếng hát, tiếng nhạc với các hoạt động văn nghệ, dân ca, dân vũ do hội phụ nữ, hội người cao tuổi tổ chức, tạo không khí vui tươi, gắn kết.

Bà Ngô Thị Ngân, Bí thư Chi bộ bản Ten B chia sẻ: “Từ khi nhà văn hóa được lắp đặt internet, các hoạt động cộng đồng diễn ra thường xuyên, thu hút đông đảo bà con tham gia. Không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, đây còn là nơi thắt chặt tình làng nghĩa xóm, lan tỏa tinh thần đoàn kết trong khu dân cư. Nhà văn hóa bản thực sự đã trở thành điểm hẹn văn hóa – thể thao.”

Triển khai xây dựng NTM thông minh đã mang đến bước chuyển mạnh mẽ trong cách thức điều hành, quản lý và sinh hoạt cộng đồng tại bản Ten B. Toàn bộ người dân được hướng dẫn tiếp cận, sử dụng công nghệ số, giúp mọi hoạt động của bản từng bước được số hóa, tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cho cán bộ và người dân.

Ông Quàng Văn Mứng, Trưởng ban Công tác mặt trận bản Ten B chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần có thông báo hay tổ chức hoạt động, chúng tôi phải dùng loa truyền thanh. Nhưng do đặc thù địa bàn rộng, dân cư sống rải rác nên loa khó phủ sóng hết. Khi đó, các đảng viên lại phải đi từng nhà để truyền đạt thông tin. Giờ đây, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các tổ chức hội, đoàn thể trong bản đã lập nhóm Zalo, kết nối với 100% hộ dân. Tất cả thông báo, kế hoạch, hoạt động đều được cập nhật nhanh chóng, chính xác qua nền tảng này. Không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý, phương thức truyền thông mới còn giúp người dân nắm bắt kịp thời thông tin, chủ động tham gia vào các hoạt động cộng đồng”.

Ban lãnh đạo bản Ten B thông tin cho người dân về các chủ trương, chính sách và các hoạt động cộng đồng thông qua các ứng dụng số.

Ứng dụng công nghệ số đã giúp người dân bản Ten B thuận tiện hơn trong giao tiếp, giao dịch, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong sinh hoạt và phát triển kinh tế.

Anh Nguyễn Bá Hưng, chủ cửa hàng tạp hóa với hơn 10 năm kinh doanh tại bản, là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi số. Trước đây, việc ghi chép, thanh toán đều làm thủ công, mất nhiều thời gian và dễ sai sót. Từ khi bản triển khai xây dựng NTM thông minh, anh Hưng đã đưa công nghệ vào mọi khâu trong hoạt động kinh doanh.

Anh Hưng chia sẻ: “Giờ đây, toàn bộ quá trình nhập, xuất hàng hóa đều được thực hiện trên máy tính. Thanh toán không dùng tiền mặt giúp tôi quản lý dòng tiền nhanh chóng, chính xác, minh bạch và an toàn hơn rất nhiều so với trước kia".

Cửa hàng tạp hóa củaanh Nguyễn Bá Hưng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động kinh doanh.

Phong trào xây dựng NTM đã mang đến luồng sinh khí mới cho bản Ten B, góp phần thay đổi toàn diện diện mạo vùng nông thôn. Hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ qua từng con đường, ngôi nhà, điểm sinh hoạt cộng đồng.

Bà Ngô Thị Ngân, Bí thư Chi bộ bản Ten B cho biết: “Thời gian tới, bản tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM thông minh, đồng thời chủ động rà soát, huy động các nguồn lực xã hội hóa để lắp đặt thêm trang thiết bị hiện đại tại nhà văn hóa, cụm dân cư tập trung. Cùng với đó, bản đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả các nền tảng số trong đời sống hàng ngày, từ đó hình thành cộng đồng dân cư văn minh, hiện đại đúng với mục tiêu mà mô hình NTM thông minh hướng tới.”

Theo: Báo Điện Biên

Sức sống trên những miền quê nông thôn mới ở Hưng Yên

Sức sống trên những miền quê nông thôn mới ở Hưng Yên

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của tỉnh Hưng Yên “thay da, đổi thịt”, ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Đời sống nhân dân nơi đây ngày càng sung túc.

3 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao

3 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao

Ngày 22/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký các quyết định công nhận 3 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Phát huy vai trò của đảng viên cao niên trong xây dựng nông thôn mới

Phát huy vai trò của đảng viên cao niên trong xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Tiền Giang có 11/11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với 2/8 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (huyện Gò Công Đông, huyện Chợ Gạo) năm 2024.