Kỹ sư Hồ Phúc Nguyên: 'Tôi chỉ dám làm công chức khi cơ chế rõ ràng'

Mỵ Lương Thứ tư, 16/07/2025 09:37 (GMT+7)

Hơn 30 năm kiên định với ngành nông nghiệp, kỹ sư Hồ Phúc Nguyên đã vượt qua không ít thăng trầm để gặt hái thành công. Từ kinh nghiệm thực tiễn đó, ông thẳng thắn “hiến kế” về việc mời doanh nhân xuất sắc tham gia bộ máy Nhà nước. “Cơ chế rõ ràng để họ có thể phát huy và cống hiến tối đa”, “cha đẻ” chế phẩm sinh học Bacte bày tỏ.

"Cha đẻ" Bacte: Hơn 30 năm bền bỉ giữ "lửa" đam mê

Kỹ sư Hồ Phúc Nguyên, người được mệnh danh là “cha đẻ” của chế phẩm sinh học Bacte, nổi tiếng với hành trình hơn 30 năm gắn bó với ngành nông nghiệp. Nói về nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quốc tế Tipto Mã Lai, GS.TS Nguyễn Văn Tuất - Chủ tịch Hội Khoa học bảo vệ thực vật Việt Nam - từng nhận định: “Ông Nguyên là người tâm huyết với ngành nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chế phẩm sinh học. Sản phẩm Bacte thực sự là một nghiên cứu sáng tạo và khả thi”.

Từng tự tin, bản lĩnh khi thuyết phục thành công 5 “Cá mập” trong chương trình “Shark Tank Việt Nam” mùa 7, ít ai ngờ, kỹ sư Hồ Phúc Nguyên đã trải qua thời điểm vô cùng bế tắc. Chỉ tính riêng giai đoạn đầu hoàn tất nghiên cứu và bảo vệ đề tài chế phẩm sinh học dày công thực hiện trong suốt nhiều năm, ông Nguyên đã tiêu tốn hơn 13 tỷ đồng.

Kỹ sư Hồ Phúc Nguyên - người sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ quốc tế Tipto Mã Lai, “cha đẻ” của chế phẩm sinh học Bacte. Ảnh: NVCC, Shark Tank Việt Nam

Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn nhất, “cha đẻ” của chế phẩm sinh học Bacte trải lòng: “Đó là thời điểm khi tôi vừa bảo vệ đề tài cấp Nhà nước xong với bao hy vọng, mọi thứ như đang "trên mây" bao nhiêu thì khi đem sản phẩm ra thị trường, đối mặt với thực tế không như mình kỳ vọng bấy nhiêu.

Quy trình cô đặc, chuyển hóa chế phẩm chưa đạt cùng chi phí tốn kém đã khiến tôi từng nản lòng. Thậm chí, tôi phải bán hết nhà cửa, đi ở nhà thuê để trả nợ”.

Dẫu vậy, kỹ sư Hồ Phúc Nguyên vẫn không từ bỏ hành trình gian nan ấy. Chính sự tâm huyết và luôn đau đáu với ngành nông nghiệp, đặc biệt là chế phẩm sinh học, đã mang lại cho “cha đẻ” của Bacte những thành quả ngọt ngào.

“Ngoài việc được cả 5 Shark đầu tư, bà con nông dân cũng ngày càng tin tưởng chế phẩm sinh học Bacte. Hiểu tâm lý người nông dân ưa "thấy tận mắt, sờ tận tay", chúng tôi hiện mở rộng thị trường với mạng lưới 180 nhà phân phối trên cả nước và đa dạng kênh online. Tỷ lệ khách hàng quay lại mua sản phẩm đạt 40-50% là con số rất ấn tượng trong ngành này”, ông Nguyên cho biết.

Hiện tại, chế phẩm sinh học Bacte hướng tới xuất khẩu chính ngạch, đã thử nghiệm thành công tại Úc (cà chua, bắp cải), Hàn Quốc (dưa, ớt, bắp cải), Thái Lan (sầu riêng) và đang tập trung thị trường Mỹ.
Kỹ sư Hồ Phúc Nguyên đặt mục tiêu trong khoảng 5 năm tới đưa chế phẩm sinh học Bacte vào Top 5 doanh nghiệp công nghệ sinh học Việt Nam.

Cơ chế rõ ràng mới mời được "sói đầu đàn" về làm công chức

Là người có nhiều cơ hội và có kinh nghiệm từng làm việc ở các công ty trong và ngoài nước, kỹ sư Hồ Phúc Nguyên thẳng thắn nêu quan điểm về dự thảo nghị định của Bộ Nội vụ về việc mời doanh nhân xuất sắc, nhà khoa học, luật sư đầu ngành ký hợp đồng đảm nhận các vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Đảng và Nhà nước.

"Cha đẻ" của chế phẩm sinh học Bacte cho rằng, đây là một ý tưởng đáng hoan nghênh, tuy nhiên để triển khai hiệu quả là một câu chuyện hoàn toàn khác. Lý giải về sự khác biệt lớn giữa hai môi trường doanh nhân và công chức, ông Nguyên nêu quan điểm: "Doanh nhân đưa ra quyết định rất nhanh. Khi thấy cơ hội, họ chấp nhận rủi ro và dựa trên dữ liệu, phân tích, kinh nghiệm để ra quyết định kịp thời vì thị trường không chờ đợi ai. Ngược lại, với công chức khi đưa ra quyết định thường phải qua nhiều bước tham vấn, từ các phòng, ban, các tổ chức liên quan, dẫn tới thời gian kéo dài và có thể bỏ lỡ thời điểm tốt nhất”.

Từ những kinh nghiệm được tích luỹ trong hơn 3 thập kỷ gắn bó với ngành nông nghiệp, kỹ sư Hồ Phúc Nguyên cho rằng, doanh nhân có “tầm nhìn dài hơn” khi họ chấp nhận lỗ trước mắt để xây dựng thương hiệu, thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng tới lợi ích lâu dài. Nhưng khi một doanh nhân ký hợp đồng trở thành công chức, câu hỏi đặt ra là: Liệu họ có được phép quyết định như vậy không? Ai là người tham vấn, có cùng tầm nhìn và mục tiêu hay không?...

"Chìa khóa" để doanh nhân cống hiến: Quyền hạn, trách nhiệm và bảo vệ rủi ro

Ông Nguyên đánh giá cao phong cách làm việc quyết đoán và tinh thần trách nhiệm ở nước ngoài: “Tổng giám đốc các công ty nước ngoài dám chi, dám quyết vì mục tiêu cụ thể, với kế hoạch rõ ràng và cơ chế bảo vệ rủi ro minh bạch”.

“Cha đẻ” của chế phẩm sinh học Bacte cho biết, khi đối mặt với biến động thị trường, các bên sẽ cùng ngồi lại tìm giải pháp thay vì đổ lỗi cá nhân. "Điều quan trọng là cùng theo đuổi một mục tiêu chung. Dù tiêu tiền của nhà nước, doanh nghiệp hay cá nhân thì cũng phải tối ưu hiệu quả.

Khi là tiền của mình, doanh nhân sẽ cân nhắc kỹ hơn. Với công ty nước ngoài, nếu dữ liệu và cơ hội rõ ràng thì họ sẽ quyết rất nhanh. Còn chủ doanh nghiệp thì chậm hơn vì tính rủi ro cao hơn về cá nhân”, kỹ sư Hồ Phúc Nguyên bày tỏ.

Hơn 30 năm kiên định với ngành nông nghiệp, kỹ sư Hồ Phúc Nguyên đã vượt qua không ít thăng trầm để gặt hái thành công. Ảnh: NVCC

Trước câu hỏi liệu ông có sẵn sàng nhận lời nếu được mời vào vị trí quản lý trong bộ máy Nhà nước để thúc đẩy nền nông nghiệp công nghệ cao, kỹ sư Nguyên nêu quan điểm: “Chỉ khi cơ chế rõ ràng, tôi mới dám làm”.

Theo ông Nguyên, cơ chế rõ ràng cần bao gồm các yếu tố: Quyền hạn cụ thể, phạm vi ra quyết định, mức độ rủi ro được phép và trách nhiệm khi có sự cố.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quốc tế Tipto Mã Lai cho rằng: "Không thể mời doanh nhân vào chỉ để lấy ý tưởng, rồi để họ một mình chịu trách nhiệm khi có vấn đề. Thực tế, doanh nhân có nhiều lựa chọn. Nếu đã mời họ thì phải cho họ một môi trường có thể phát huy năng lực và cống hiến. Nếu cơ chế không minh bạch thì đó là tự đẩy họ vào thế khó".

Nói về điều kiện “cần và đủ” để doanh nhân tham gia vào bộ máy công vụ, kỹ sư Hồ Phúc Nguyên chỉ ra điều cốt lõi ở việc cơ chế phải minh bạch và linh hoạt. Bởi theo ông Nguyên, không có cơ chế nào áp dụng hoàn hảo cho mọi tình huống.

“Điều quan trọng là khi chưa phù hợp, thiếu sót thì điều chỉnh kịp thời để phù hợp thực tế hơn. Khi tất cả cùng chung mục tiêu thì dù cách làm thế nào cũng có thể điều chỉnh, kết hợp để cùng nhau đạt hiệu quả cao”, “cha đẻ” của Bacte nhận định.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội

Bộ trưởng Lê Minh Hoan giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội

Chiều 18/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV tiến hành bầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm Phó Thủ tướng Chính phủ

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm Phó Thủ tướng Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Quốc hội phê chuẩn ông Mai Văn Chính làm Phó Thủ tướng

Quốc hội phê chuẩn ông Mai Văn Chính làm Phó Thủ tướng

Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng bổ nhiệm ông Mai Văn Chính giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026.