Bí quyết trồng na Thái 'khổng lồ' nặng gần 2kg/quả, nữ nông dân từ tay trắng thu 200 triệu/vụ

Yến Anh Thứ hai, 14/07/2025 14:24 (GMT+7)

Trên những triền đồi khô cằn, vợ chồng chị Hoàng Thị Đại ở xã Cai Kinh (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) đã mạnh dạn trồng cây na Thái, và hướng đi mới này giúp gia đình chị ổn định thu nhập, có của ăn của để. Mô hình sản xuất của gia đình chị Đại cũng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng phụ nữ vùng cao.

Những ngày đầu hè, vợ chồng chị Hoàng Thị Đại và anh Nguyễn Văn Tuân cũng như nhiều hộ nông dân trồng na ở xã Cai Kinh (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) đang tất bật chuẩn bị cho vụ na mới. Giữa những hàng cây na xanh mát mắt, vợ chồng chị Đại mỗi người một dãy, thoăn thoắt “chấm” na.

Chị Đại giải thích: “Chấm” là cách gọi của người địa phương, là cách người nông dân dùng một chiếc ống nhỏ để thụ phấn cho từng bông hoa. Cây na có sai quả và quả na có to, có đẹp, có ngon hay không, phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn này”.

Giữa làn gió thổi nhè nhẹ của buổi chiều nơi vùng cao, thoảng nhẹ mùi hương thơm của hoa, của lá, xen lẫn tiếng trò chuyện râm ran của những người nông dân, mang theo hy vọng cho một mùa na bội thu.

“Trước kia, nhà tôi thử nghiệm trồng đủ loại cây, từ trồng bạch đàn, trồng táo, trồng bưởi… nhưng thu nhập bấp bênh. Công phu chăm sóc đổ vào vườn cây nhiều lắm, mà không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cuộc sống vất vả mà vẫn nghèo. Từ khi chuyển sang trồng na Thái, đời sống mới khấm khá hơn” - chị Đại tâm sự khi dẫn chúng tôi đi giữa khu vườn xanh mướt của gia đình.

Bước ngoặt từ quả na

Năm 2021, nhờ Hội Nông dân xã Cai Kinh tổ chức tham quan thực tế, vợ chồng chị Đại lần đầu tiếp cận mô hình trồng na Thái tại một xã lân cận. Chứng kiến hiệu quả kinh tế rõ rệt từ giống cây này, lại thấy na Thái phù hợp với chất đất đồi đá vôi quê mình, ít sâu bệnh và kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp, anh chị quyết định chuyển sang trồng na.

Chị Đại chia sẻ: Cây na Thái trồng trên địa bàn xã phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên phát triển rất tốt, cho chất lượng quả thơm, ngọt, không phải nơi nào cũng có được. Để cây khỏe, sạch bệnh, người dân phải tích cực chăm sóc và cắt tỉa cành thường xuyên. Tuy nhiên, giống na này có tỷ lệ đậu quả tự nhiên thấp nên người dân phải chú trọng việc thụ phấn cho hoa. Nếu được chăm sóc đúng cách thì cây sẽ cho quả có trọng lượng và kích thước lớn hơn nhiều so với giống na dai, na bở địa phương. Trung bình một quả na Thái sẽ có trọng lượng từ 0,5 -1kg, thậm chí có quả na đạt trọng lượng "khủng" từ 1,5 - 1,8kg.

Từ vài chục gốc ban đầu, đến nay gia đình chị Đại đã trồng na trên diện tích gần 2ha. Nhờ chăm sóc bài bản, từ việc cắt tỉa cành, bón phân đúng giai đoạn đến kiểm tra sâu bệnh thường xuyên cây na phát triển tốt, cho quả đều, đẹp.

“Vào đầu vụ, giá na có thể dao động từ 60.000–70.000 đồng/kg. Vụ vừa rồi, vườn na nhà tôi thu về khoảng 200 triệu đồng, con số vượt xa so với cây bạch đàn và táo trước kia. Na Thái dễ tiêu thụ, thương lái đến tận vườn thu mua và thị trường ưa chuộng. Ngoài trồng na, gia đình tôi vẫn duy trì ruộng lúa, một phần diện tích trồng bạch đàn để đa dạng nguồn thu” - chị Hoàng Thị Đại hào hứng.

“Bà đỡ” cho những vụ mùa trúng giá

Không chỉ tự tìm hiểu, học hỏi, chị Đại cho biết, anh Tuân - chồng chị luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân xã Cai Kinh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức.

Qua các lớp học, những người nông dân trồng na được tiếp cận được kiến thức mới về chăm cây na như: cắt tỉa cành, bón phân cân đối, thụ phấn nhân tạo… Với kỹ thuật này, cây na của gia đình chị luôn cho quả to, đảm bảo chất lượng và chủ động được thời gian cho thu hoạch. Cùng với đó là các kiến thức về phòng trừ sâu bệnh sinh học và kỹ thuật thu hái, bảo quản sau thu hoạch…

Từ vài chục gốc ban đầu, đến nay gia đình chị Đại đã trồng na trên diện tích gần 2ha. Ảnh: Y.A

Đặc biệt, năm 2023, vợ chồng chị Đại đã được Hội Nông dân xã Cai Kinh hướng dẫn làm hồ sơ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ có khoản vốn vay ưu đãi này, vợ chồng đã chị sử dụng để mua phân bón, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp cây phát triển đều, tăng năng suất.

Chị Đại cho biết thêm, trước đây gia đình chủ yếu làm nông theo kinh nghiệm, không có kế hoạch dài hạn nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Nhờ Hội Nông dân hướng dẫn thủ tục, chị tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi đúng lúc, từ đó mạnh dạn đầu tư giống cây mới, cải tạo đất và thuê thêm lao động.

“Quan trọng nhất là mình được học hỏi cách quản lý, ghi chép chi tiêu, tính toán đầu ra đầu vào rõ ràng. Làm nông bây giờ phải biết tính, biết học thì mới bền lâu” - chị Đại chia sẻ với niềm tin vào hướng đi đang lựa chọn.

Ông Hoàng Văn Hữu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cai Kinh cho biết: Mô hình trồng na Thái của gia đình chị Đại, anh Tuân là điển hình trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách.

Hội Nông dân xã không chỉ hỗ trợ thủ tục mà còn theo sát quá trình sử dụng vốn, tập huấn kỹ thuật cho hội viên để đồng vốn phát huy tối đa hiệu quả. Từ đó, nhiều hộ nông dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập, thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển bền vững.

Xã Cai Kinh (Hữu Lũng, Lạng Sơn) có 8 thôn, 1.203 hộ dân thuộc các dân tộc Kinh, Tày, Nùng cùng nhau sinh sống. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc sản xuất nông nghiệp.
Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng, đến năm 2019, xã Cai Kinh được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Năm 2024, xã Cai Kinh được chọn là xã điểm phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

Bài nội dung tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2025 trên chuyên trang Nông thôn mới thuộc Báo điện tử Dân Việt.

Giá cả ngày đầu năm mới Ất Tỵ ổn định

Giá cả ngày đầu năm mới Ất Tỵ ổn định

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết tình hình cung cầu thị trường ngày 29/1/2025 (Mùng 1 Tết Nguyên đán ) không có diễn biến bất thường về giá.

Nhu cầu tuyển dụng lao động giáp Tết lớn, cơ hội nhận mức lương tốt

Nhu cầu tuyển dụng lao động giáp Tết lớn, cơ hội nhận mức lương tốt

Tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, cuối năm nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn, đặc biệt là lao động thời vụ để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm.

Lúa Đông xuân rớt giá, nông dân lo lắng ngày cận Tết

Lúa Đông xuân rớt giá, nông dân lo lắng ngày cận Tết

(Tapchinongthonmoi.vn) - Gần Tết Nguyên đán, niềm vui được mùa của bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị che phủ bởi nỗi lo giá lúa đông xuân giảm mạnh. Mức giá thấp kỷ lục, giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái khiến người trồng lúa đứng ngồi không yên.