Người phụ nữ Tày và hành trình dùng sợi miến dong để viết lại câu chuyện giảm nghèo

Thúy Phương – Thanh Tùng Thứ tư, 09/07/2025 19:38 (GMT+7)

Tại thôn Chè Cọ, xã Côn Minh, huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) – nơi phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, một mô hình kinh tế tập thể đã âm thầm phát triển, không chỉ giúp người dân địa phương ổn định thu nhập mà còn tạo bước đột phá trong xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vùng miền.

Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan, dưới sự điều hành tâm huyết của bà Nguyễn Thị Hoan – người con của núi rừng Bắc Kạn – đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể gắn với giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Liên kết trồng nguyên liệu, tạo việc làm cho 30-40 lao động

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, bà Nguyễn Thị Hoan - Giám đốc HTX Tài Hoan, cho biết: “Tôi bắt đầu gắn bó với cây dong riềng và nghề làm miến từ những năm 1991. Thời gian đầu, mọi hoạt động sản xuất chỉ ở quy mô tự trồng, tự chế biến một cách thủ công. Đến năm 2007, khi điều kiện thuận lợi hơn, tôi từng bước mở rộng quy mô, học hỏi kỹ thuật mới, đầu tư dây chuyền, máy móc chế biến”.

Bước ngoặt của hoạt động sản xuất được thay đổi vào năm 2018. Khi đó, bà Hoan được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Na Rì động viên, hướng dẫn bà thành lập theo mô hình HTX. Từ đó, HTX Tài Hoan được thành lập trên nền tảng của một cơ sở sản xuất miến dong có nhiều năm kinh nghiệm.

Đến nay, HTX đã phát triển lên 16 thành viên với hơn 700 hộ liên kết trồng nguyên liệu, đồng thời tạo việc làm ổn định cho khoảng 30 đến 40 lao động địa phương – phần lớn là người dân tộc thiểu số, trong đó nhiều người từng thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. Những con số tuy không quá lớn nhưng trong điều kiện của một xã miền núi còn nhiều khó khăn, việc hàng chục người có công ăn việc làm ổn định với thu nhập 6 – 7 triệu đồng/tháng là điều rất đáng ghi nhận.

Không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ, HTX Tài Hoan còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hơn 700 hộ dân trồng dong riềng tại các xã Côn Minh, Cư Lễ, Hảo Nghĩa, Đổng Xá và Quang Phong. Với vùng nguyên liệu rộng hơn 70ha, sản phẩm miến dong Tài Hoan được sản xuất theo quy trình khép kín, từ trồng, sơ chế đến đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc.

Sản phẩm miến dong Tài Hoan được giới thiệu quảng bá tại các hội chợ, triển lãm. Ảnh: N.V

Năm 2024, sản lượng miến dong của HTX Tài Hoan đạt hơn 300 tấn – cao nhất trong số các HTX sản xuất miến của tỉnh Bắc Kạn. Điều đáng nói là HTX không ngừng đổi mới và hiện đại hóa trong khâu sản xuất. Dây chuyền chế biến hiện nay có thể đạt công suất 2 – 2,5 tấn/ngày, đảm bảo chất lượng đồng đều, hợp vệ sinh, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường.

Nâng chất lượng, chinh phục thị trường nước ngoài

Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, HTX Tài Hoan từng bước chinh phục thị trường quốc tế. Năm 2020, lô hàng đầu tiên gồm 5,3 tấn miến dong Tài Hoan đã xuất khẩu sang Cộng hòa Séc. Tiếp đó, năm 2021, HTX tiếp tục xuất khẩu thêm 10,5 tấn. Đến nay, sản phẩm miến dong Tài Hoan đã có mặt tại các siêu thị của người Việt tại Praha (Séc) và các nước Đông Âu, góp phần đưa hình ảnh nông sản Việt vươn ra thế giới. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế.

Một trong những bước ngoặt lớn là việc sản phẩm miến dong Tài Hoan được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia – danh hiệu cao nhất trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Đây cũng là sản phẩm duy nhất của tỉnh Bắc Kạn đạt chứng nhận OCOP 5 sao tính đến thời điểm hiện tại. Không chỉ dừng lại ở một lần đánh giá, năm 2024, miến dong Tài Hoan tiếp tục được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia công nhận lại đạt chuẩn 5 sao – khẳng định sự ổn định về chất lượng và thương hiệu sản phẩm.

HTX Tài Hoan nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn về những đóng góp cho cộng đồng. Ảnh: N.V

Từ thành công của HTX Tài Hoan, có thể rút ra nhiều bài học về hướng đi đúng đắn cho các địa phương vùng cao. Đó là việc chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ sang kinh tế tập thể; đầu tư theo chuỗi giá trị sản phẩm; liên kết vùng nguyên liệu với nông dân; ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến và bảo quản; gắn kết sản phẩm với thị trường trong nước và quốc tế; đặc biệt là vai trò của người đứng đầu có tâm, có tầm và tinh thần đổi mới.

Nhưng điều đáng quý hơn cả là việc HTX không xem lợi nhuận là mục tiêu duy nhất mà luôn đặt người lao động – đặc biệt là lao động là người dân tộc thiểu số – làm trung tâm. Từ việc tạo việc làm ổn định, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, thu mua sản phẩm đúng giá thị trường, đến việc tổ chức tập huấn, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho lao động địa phương… HTX đã góp phần cụ thể hóa mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội.

Hành trình của HTX Tài Hoan là minh chứng sinh động cho thấy nếu có tư duy đổi mới, biết tổ chức sản xuất hiệu quả, biết tận dụng lợi thế của địa phương và phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác thì ngay cả ở những vùng đất còn nhiều gian khó như huyện Na Rì – nơi từng được coi là "rốn nghèo" của tỉnh Bắc Kạn – cũng có thể tạo ra những mô hình phát triển kinh tế tập thể tiêu biểu. Thành công của HTX Tài Hoan không chỉ giúp thay đổi đời sống cho hàng trăm hộ dân trong vùng mà còn khẳng định vai trò then chốt của kinh tế tập thể trong công cuộc giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài nội dung tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2025 trên chuyên trang Nông thôn mới thuộc Báo điện tử Dân Việt.

Thúy Phương – Thanh Tùng