Lạc vào 'vườn cổ tích' tiền tỷ giữa núi rừng Thanh Hóa: Chuyện người phụ nữ biến đất cằn thành trang trại trong mơ

Yến Anh Thứ năm, 10/07/2025 17:43 (GMT+7)

Ở vùng đất đồi núi còn nhiều khó khăn như huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã có không ít nông dân mạnh dạn bứt phá và thoát khỏi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún để phát triển hệ sinh thái trang trại, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Có dịp đến thôn 10 (xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) ghé thăm trang trại của chị Nguyễn Thị Thu, nhiều người sẽ có cảm giác như đang lạc bước giữa một khu vườn cổ tích.

Nằm giữa những hàng cao su thẳng tắp, những đồi sim đang khoe sắc, những cây vải đang thời kỳ rộ quả, những khu trồng bưởi, trồng mận xanh mát mắt là khu trang trại chăn nuôi với những chú lợn trắng hồng, mập mạp đang chuẩn bị xuất chuồng… Một hệ sinh thái trang trại đang phát triển từng ngày giữa miền núi khô cằn của xứ Thanh là minh chứng của sự nỗ lực vươn lên làm giàu của vợ chồng chị Thu.

Từ hai bàn tay trắng đến thu nhập tiền tỷ mỗi năm

Sinh năm 1974 tại xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, chị Thu cùng gia đình chuyển đến Bãi Trành lập nghiệp từ khi chị còn nhỏ. Là con của công nhân nông trường cao su, từ nhỏ chị đã quen với cuộc sống gắn bó với đất rừng và những mùa vụ vất vả mà thu nhập ít ỏi. Học hết lớp 9, chị nghỉ học ở nhà làm ruộng.

Năm 1985, sau khi lập gia đình, chị và chồng bắt đầu lập nghiệp với hai bàn tay trắng, tài sản đáng kể chỉ là căn nhà tranh vách đất. Kinh tế gia đình khó khăn, con cái thường xuyên ốm đau, cuộc sống trăm bề lo toan khiến nhiều lúc tưởng chừng vợ chồng chị không thể vượt qua…

Chị Phạm Thị Thu tại khu trang trại chăn nuôi lợn của gia đình. Ảnh: Y.A

Nhưng chính trong gian khó ấy, chị Thu đã không cam chịu số phận. Chị bảo: “Có ít ruộng, làm lúa không đủ ăn. Phải tìm hướng đi khác nếu muốn thoát nghèo”. Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bãi Trành phù hợp với cây cao su và cây ăn quả, qua những buổi sinh hoạt Hội Nông dân và Hội Phụ nữ, chị Thu đã biết đến những nguồn vốn vay ưu đãi, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế nông thôn.

“Lúc đầu nghĩ đến đi vay ngân hàng để phát triển kinh tế, tôi cũng lo lắng lắm, không biết mình có làm ăn được để trả gốc, trả lãi không. Nhưng nghe cán bộ giải thích về những lợi ích khi tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng chính sách, không chỉ được hưởng có lãi suất thấp, được vay trong thời gian dài, mà còn được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng vốn vay hiệu quả…, nên năm 2002, vợ chồng tôi mạnh dạn vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Như Xuân để khai hoang, trồng 2ha cây cao su và 2ha vải thiều” - chị Thu chia sẻ.

Vốn liếng ít ỏi, kinh nghiệm làm vườn hầu như bằng không, chị Thu phải mày mò học hỏi từng chút một. “May mắn là được giới thiệu tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tôi mới dần nắm được cách trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su cũng như vải thiều”- chị Nguyễn Thị Thu kể.

Sau 5 năm, thành quả đầu tiên đến với gia đình chị. Cây cao su bắt đầu cho khai thác mủ, cây vải thiều cũng bước vào kỳ thu hoạch. Trung bình mỗi năm, hai loại cây này mang lại nguồn thu gần 400 triệu đồng. Từ đây, chị trả hết nợ ngân hàng và chính thức thoát nghèo.

Không dừng lại, năm 2008, chị tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế bằng việc trồng rừng trên diện tích đồi trống với 26ha keo lấy gỗ, cùng 2ha bưởi Diễn và bưởi da xanh. Nhờ chịu khó chăm sóc, vườn cây phát triển ổn định, mỗi năm cho thu nhập đều đặn khoảng 400 triệu đồng.

Chị Thu tính toán rất kỹ: “Mỗi hạng mục cây trồng tôi đều lên kế hoạch cụ thể, từ đầu tư, phân bón, nhân công đến thu hoạch. Làm nông nghiệp phải bài bản, nếu không thì dễ thua lỗ”. Chính sự cần cù và tính toán hợp lý ấy đã giúp chị thành công trong việc xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp.

Hiện tại, mỗi năm từ mủ cao su, vải, bưởi, keo, chị Thu thu về trên 800 triệu đồng, lợi nhuận sau khi trừ các chi phí đạt khoảng 600 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn nuôi thêm 30 con lợn thịt, mỗi năm mang lại khoảng 300 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Thu còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 phụ nữ nghèo tại địa phương với mức lương từ 2 – 2,5 triệu đồng/tháng. Với chị, “giúp chị em có công ăn việc làm là một cách sẻ chia, cùng nhau thoát nghèo bền vững”.

Bằng ý chí, sự cần cù và tinh thần dám nghĩ dám làm, từ hai bàn tay trắng, chị Nguyễn Thị Thu đã trở thành người phụ nữ làm kinh tế giỏi, mỗi năm mang lại thu nhập hàng tỷ đồng từ trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đồng hành cùng người dân vươn lên phát triển kinh tế

Câu chuyện vượt khó của chị Nguyễn Thị Thu không phải là trường hợp cá biệt ở huyện Như Xuân. Trong nhiều năm qua, huyện đã có những chính sách cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ chính tiềm năng của vùng đất miền núi.

Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống văn hóa các dân tộc, huyện Như Xuân còn sở hữu điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi để phát triển kinh tế trang trại, nông – lâm nghiệp bền vững. Với trên 80% diện tích đất tự nhiên là đồi núi, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, đất đai màu mỡ, hệ sinh thái rừng tự nhiên và rừng trồng đa dạng, Như Xuân là một trong những huyện có thế mạnh rõ rệt trong phát triển mô hình kinh tế tổng hợp gắn với trang trại, gia trại.

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Như Xuân đã hình thành ngày càng nhiều mô hình trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng sản xuất theo hướng quy mô, chuyên canh, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Các loại cây trồng chủ lực như keo, cao su, bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam, vải thiều... cùng các mô hình chăn nuôi lợn, gà, trâu bò sinh sản theo hướng hàng hóa đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho nhiều hộ gia đình.

Cùng với chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu tập trung, huyện Như Xuân đang tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” giữa nông dân – doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nước để hỗ trợ xây dựng các mô hình trang trại sản xuất sạch, hữu cơ, gắn với tiêu thụ nông sản. Việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng và ứng dụng số hóa vào quản lý nông nghiệp cũng được chú trọng.

Đặc biệt, Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021–2025 đã xác định phát triển kinh tế trang trại là một trong những hướng đi chủ lực.

Theo thống kê, đến năm 2024, toàn huyện đã có hơn 120 mô hình kinh tế trang trại và gia trại quy mô vừa và nhỏ, trong đó có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao về kinh tế và tạo việc làm ổn định cho lao động tại chỗ, đóng góp vào sự đổi thay bền vững của địa phương.

Bài nội dung tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2025 trên chuyên trang Nông thôn mới thuộc Báo điện tử Dân Việt.

Lúa Đông xuân rớt giá, nông dân lo lắng ngày cận Tết

Lúa Đông xuân rớt giá, nông dân lo lắng ngày cận Tết

(Tapchinongthonmoi.vn) - Gần Tết Nguyên đán, niềm vui được mùa của bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị che phủ bởi nỗi lo giá lúa đông xuân giảm mạnh. Mức giá thấp kỷ lục, giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái khiến người trồng lúa đứng ngồi không yên.

Thu hút kiều hối: Điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam

Thu hút kiều hối: Điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam

Kiều hối vẫn duy trì vị trí trong tốp 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Singapore đạt kỷ lục

Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Singapore đạt kỷ lục

Năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng hết sức ấn tượng của xuất khẩu Việt Nam sang Singapore với 10/12 tháng có mức tăng trưởng trên 15%.