
Những mũi thêu tay 'Made in Vietnam' giá 20 triệu đồng chinh phục đại gia Dubai, khách châu Âu xếp hàng đặt mua
Ninh Bình là một trong những tỉnh được xếp hạng trong top 10 tỉnh có lượt khách du lịch đến tăng cao của cả nước. Những năm qua, vùng đất cố đô đã phát triển du lịch bài bản, chuyên nghiệp trên nền tảng có cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, làng nghề truyền thống đặc sắc…, từ đó thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Tăng thu nhập và giữ gìn làng nghề truyền thống
Ninh Bình là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 100km, là cửa ngõ phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, kết nối ba vùng kinh tế lớn và nằm trên các hành lang kinh tế quan trọng. Với hệ thống giao thông thuận lợi như Quốc lộ 1A, cao tốc Bắc – Nam, tuyến đường ven biển..., Ninh Bình có khả năng kết nối nhanh chóng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh miền Trung, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt về công nghiệp, du lịch và dịch vụ.
Trong nhiều thập kỷ qua, tỉnh Ninh Bình đã khai thác hiệu quả tài nguyên như di sản văn hóa, làng nghề, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp để phát triển du lịch. Các cấp, ngành, địa phương luôn chú trọng đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, làng nghề…, xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2024, tỉnh Ninh Bình đã đón 8,7 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% về tổng lượt khách và tăng 221% về số lượt khách quốc tế so với năm 2023. Tỉnh này cũng được đánh giá là 1 trong 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất, tăng đều qua các năm.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình, năm 2025, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, tập trung vào việc khai thác tài nguyên di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới làng nghề truyền thống vừa để gìn giữ, lan tỏa giá trị và nét đặc sắc của làng nghề, vừa để các hộ dân có thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo thông qua hoạt động phát triển du lịch.
Tại Khu du lịch Tam Cốc, khu làng nghề truyền thống vừa được ra mắt với gần 10 gian hàng trưng bày các sản phẩm của các làng nghề Ninh Bình như: Gốm Bồ Bát, cói, sản phẩm thêu tay, sản phẩm từ tơ tằm, lụa…. Việc trưng bày, giới thiệu các sản phẩm này nhằm tăng sự trải nghiệm, hoạt động của du khách trong nước và nước ngoài.


Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, nghệ nhân Đỗ Văn Tấn tại gian hàng sản phẩm cói (làng Kim Đỗ, huyện Kim Sơn) cho hay, Kim Sơn là làng nghề truyền thống, lâu đời ở Ninh Bình. Hiện tại, huyện Kim Sơn có 7 làng nghề được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là làng nghề truyền thống sản xuất chiếu cói.
“Gia đình tôi làm nghề đan cói đã qua 3 đời, từ đời ông nội, đến đời bố và giờ đến tôi. Sản phẩm của gia đình tôi có tới hàng trăm loại làm từ cói, như túi xách tay, làn đựng thức ăn, quạt, nón, đồ trưng bày treo tường… Giá thành cũng khá mềm, từ 10.000 đồng đến hơn 250.000 đồng/sản phẩm”.
Một trong những sản phẩm được nhiều du khách yêu thích và điểm nhấn tại quầy hàng sản phẩm cói của nghệ nhân Đỗ Văn Tấn đó là chiếc nón. Đây là chiếc nón được cách điệu từ chiếc nón truyền thống của người Việt, được nhà thiết kế Minh Hạnh chỉ dẫn để các nghệ nhân, người thợ ở làng nghề Kim Sơn Tam Cốc tạo thành.
“Điều tôi tâm đắc nhất là duy trì, bảo tồn được nghề này cho các thế hệ sau. Các sản phẩm của làng nghề truyền thống được lan tỏa, nhiều người biết đến, thậm chí vươn rộng ra thế giới, bạn bè quốc tế biết về làng nghề truyền thống Ninh Bình nói riêng và làng nghề truyền thống của Việt Nam nói chung. Khi các sản phẩm của tôi được du khách trong nước và nước ngoài tham quan bày tỏ thích thú, thậm chí nhiều du khách chọn mua các sản phẩm, tôi cảm thấy rất vui và tự hào về nghề truyền thống của gia đình và làng nghề quê hương mình” - ông Đỗ Văn Tấn cho hay.
Nghệ nhân Đỗ Thị Ngân (trú tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, TP.Hoa Lư) chia sẻ, bà theo nghề thêu đã được 30 năm và có cơ hội xây dựng một khách sạn nhỏ mang tên “Sợi Chỉ Nhỏ”. Cơ sở của bà cũng là nơi đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm thợ thêu, hộ dân của vùng Kim Sơn, chưa kể tổng số người làm trực tiếp tại xưởng khoảng 50 người và mỗi ngày nhận hàng trăm đơn hàng khiến thợ của bà không làm không ngơi tay.

Thổ lộ về nghề thêu tay truyền thống, bà Đỗ Thị Ngân cho hay, thế hệ trẻ hiện nay không còn mặn mà theo nghề mà chủ yếu vẫn là thế hệ của bà Ngân hoặc những người ở độ tuổi 40-50. Sản phẩm của cơ sở chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Âu, đặc biệt là Đức và Dubai. Nhu cầu của khách hàng rất đa dạng, họ đặt các sản phẩm như khăn để dao nĩa, khăn ăn, khăn trải bàn, ga gối cho khách sạn, thậm chí cả mặt hàng thời trang…
“Hiện tại, tôi có hơn 4.000 mẫu sản phẩm. Nghề thêu cũng giống như thời trang, xu hướng thay đổi thì mẫu thêu cũng phải đổi theo. Tôi liên tục phải sáng tạo để phù hợp với thị hiếu của thị trường, khách hàng. Có tháng, tôi xuất vài chục nghìn sản phẩm, nhưng cũng có tháng vào vụ mùa, người dân bận việc đồng áng thì chỉ làm và bán được vài nghìn sản phẩm.
Giá bán cũng rất đa dạng, món rẻ nhất khoảng trên dưới 100.000 đồng, còn món đắt nhất có thể lên tới 15-20 triệu đồng. Khách nước ngoài rất thích sản phẩm của tôi, vì 100% đều là đồ thủ công, không có một mũi thêu nào bằng máy. Có khách còn tới trải nghiệm, tham quan và lên ý tưởng, đặt hàng sản phẩm ngay tại cơ sở sản xuất của tôi” - bà Đỗ Thị Ngân cho biết.
Cũng tại khu làng nghề truyền thống Tam Cốc, ngoài gian hàng sản phẩm cói, thêu tay, còn có các gian hàng gốm Bồ Bát, tơ tằm… với những sản phẩm cực kỳ tinh tế và đẹp được trưng bày. Những bình gốm, lọ hoa, các loại bát với màu xanh coban đan xen với màu trắng sứ, các họa tiết, hoa văn tinh xảo, độc đáo khiến nhiều du khách ấn tượng và thích thú.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Ninh Hải chỉ còn dưới 1%, giảm mạnh so với mức dưới 5% của những năm trước. Địa phương đã xây dựng lộ trình giảm nghèo cụ thể, với mục tiêu mỗi năm giảm ít nhất 1%. Nhờ vậy, từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo từng bước được kéo giảm và duy trì ở mức rất thấp.
Ông Đinh Anh Tới – Phó Chủ tịch xã Ninh Hải, TP.Hoa Lư cho hay: “Hiện nay, tại xã có khoảng 200 hộ đang làm nghề thêu, trong đó có cả những hộ nghèo. Nghề nông thường theo mùa vụ, sản lượng và giá trị thấp, nên đời sống của người dân còn khó khăn. Vì vậy, vào những thời điểm nông nhàn, người dân tham gia làm các nghề truyền thống như thêu, gốm sứ, đan cói…
Đặc biệt, khi du lịch phát triển, tỉnh Ninh Bình đưa các làng nghề vào phục vụ du lịch. Xã Ninh Hải cũng đã tuyên truyền chính sách, các quyết định của tỉnh trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy và quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ… với mục đích tăng thu nhập và đời sống của người dân”.
Theo ông Tới, xã Ninh Hải cũng hỗ trợ bà con tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng. Nguồn vốn này phục vụ chủ yếu cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ ở nông thôn, thông qua ủy thác với 4 tổ chức đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên. Tổng dư nợ đến nay tại địa bàn xã đã đạt khoảng 100 tỷ đồng, hỗ trợ hàng trăm nông dân, hội viên và các hộ phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Đẩy mạnh phát triển khu làng nghề truyền thống
Có mặt tại Làng nghề thêu truyền thống Tam Cốc, anh Alex Huo Junda - du khách đến từ Trung Quốc - chia sẻ với phóng viên rằng, anh cảm thấy bất ngờ và thích thú với những sản phẩm tại nơi đây. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm với những đường nét tinh tế, đặc biệt các sản phẩm thêu tay tại gian hàng thêu. Các đường chỉ nắn nót, hoa văn nhã nhặn nhưng không kém phần đẹp, hấp dẫn. Nam du khách thực sự bị thu hút bởi các sản phẩm hand made (làm bằng tay).

Việc mỗi năm xây dựng và tạo ra những điểm đến, sản phẩm du lịch mới của Ninh Bình đã tạo nên sức thu hút, tăng thêm nhiều hoạt động trải nghiệm cho du khách đang là thể hiện cách làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp du lịch, điểm mới – làng nghề truyền thống Tam Cốc vẫn đang còn ít sản phẩm; cách bố trí sản phẩm, con người giới thiệu cũng như việc sử dụng hình ảnh, video và các thông tin - truyền thông để kể câu chuyện về sản phẩm một cách sống động cần hấp dẫn hơn.
Ông Đinh Anh Tới cho biết, hiện nay, phần lớn du khách mới chỉ cảm nhận sản phẩm ở vẻ bề ngoài, chưa thực sự hiểu hết được chiều sâu của giá trị văn hóa, công lao lao động và nguồn gốc nguyên vật liệu.
Trong khi đó, nhiều nguyên liệu độc đáo, hiếm có, đòi hỏi công đoạn xử lý rất kỳ công. Đây chính là "câu chuyện phía sau sản phẩm" mà chúng ta cần kể.
“Tôi nghĩ, chúng ta cần cung cấp thêm thông tin để khách hàng có thể cảm nhận sâu hơn, hiểu được ý nghĩa và giá trị thực sự của các sản phẩm làng nghề. Về mặt trưng bày, chúng ta nên xây dựng theo chủ đề hoặc gắn với các sự kiện cụ thể, tùy theo tình hình thực tế ở từng địa phương.
Du khách quốc tế rất hào hứng với hoạt động này. Họ sẵn sàng cùng ngồi làm với nghệ nhân, dù chỉ hoàn thành một vài công đoạn nhỏ. Thậm chí, lúc đó, yếu tố giá cả không còn quá quan trọng. Du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn vì giá trị trải nghiệm mà họ nhận được” – ông Tới nhận định.
Bài nội dung tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2025 trên chuyên trang Nông thôn mới thuộc Báo điện tử Dân Việt.
Phát huy vai trò của đảng viên cao niên trong xây dựng nông thôn mới
Nông thôn mớiTỉnh Tiền Giang có 11/11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với 2/8 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (huyện Gò Công Đông, huyện Chợ Gạo) năm 2024.
Bắc Giang công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2024
Nông thôn mới(Tapchinongthonmoi.vn) - UBND tỉnh Bắc Giang vừa công bố các quyết định công nhận thêm nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu năm 2024, đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển nông thôn của tỉnh.
Bạc Liêu sẽ xóa nhà tạm, dột nát cho 1.760 hộ nghèo
Nông thôn mớiChiều 17/1, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp mặt Doanh nghiệp đầu năm 2025 kết hợp với sơ kết phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.